Cả nước có trên 1.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài

Thế Kha

(Dân trí) - 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được Thanh tra Chính phủ nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhập, sử dụng.

Trong báo cáo vừa gửi đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực thanh tra (tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ hợp thứ 4), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết cơ quan này đã ban hành kế hoạch triển khai, phối hợp với Bộ Công an, địa phương lập danh sách 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Theo báo cáo, các địa phương đã tiến hành rà soát, giải quyết và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ 856 vụ việc (đạt 85,3%). Sau khi Thanh tra Chính phủ báo cáo, Thủ tướng đã có chỉ đạo tổ chức thực hiện thời gian tới.

1.003 vụ việc này đã được nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhập, khai thác, sử dụng.

Cả nước có trên 1.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Phạm Thắng).

Tổng Thanh tra Chính phủ nói đã có kế hoạch đôn đốc, kiểm tra thực hiện tại các địa phương, gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Sau khi hoàn thành kế hoạch (dự kiến quý II/2024), Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng, đề xuất sơ kết thực hiện.

Ngoài ra, theo ông Phong, những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo sẽ được rà soát nhằm hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện đảm bảo đồng bộ, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo.

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi 9 cơ quan (Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đề nghị lập danh sách cán bộ, công chức có chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai ngay việc phân quyền truy cập, khai thác dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ đang quản lý.

Cơ quan thanh tra đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, trong đó có nhiệm vụ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đảm bảo kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc.

Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong kỳ vọng sẽ giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở, phấn đấu tiếp tục đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt trên 90%.

Kết quả giải quyết quyền lợi cho người dân, tổ chức

Báo cáo gửi Quốc hội của ông Tổng Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong khoảng thời gian trên, cơ quan nhà nước các cấp đã giải quyết gần 69.400/gần 83.300 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 83,3%).

Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước trên 236 tỷ đồng, 168ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân trên 472 tỷ đồng, gần 40ha đất.

Các cơ quan cũng đã kiến nghị xử lý 1.700 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 107 vụ, 121 đối tượng (có 44 cán bộ, công chức).