Tổng Thanh tra: Chuyển cơ quan điều tra 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm
(Dân trí) - Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong khẳng định đã bảo đảm 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra; chuyển danh sách tổ chức, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra của đảng.
Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa ký báo cáo kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực thanh tra, gửi tới Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo lý giải việc chậm ban hành kết luận thanh tra và nguyên nhân đã được Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XV tại phiên chất vấn (kỳ họp thứ 4).
Thực trạng này, theo ông Phong, có nguyên nhân khách quan từ một số quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; hoạt động thanh tra có tính chất phức tạp.
Nguyên nhân chủ quan của ngành thanh tra nằm ở khâu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từng cuộc thanh tra cụ thể.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng đến nay nguyên nhân từ bất cập của pháp luật đã cơ bản được khắc phục khi Quốc hội ban hành Luật Thanh tra năm 2022, Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn luật.
Thanh tra Chính phủ đã thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Việc trao đổi thông tin được ngành thanh tra tăng cường.
Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc các vụ việc có tính chất phức tạp đã kịp thời trao đổi để thống nhất quan điểm xử lý, tránh để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm và chuyển thông tin không sát thực.
Báo cáo Quốc hội, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho rằng ngành đã bảo đảm 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra; chuyển danh sách tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra của đảng để xem xét, xử lý theo quy định.
"Đến nay tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra đã từng bước được khắc phục, góp phần tạo nên kết quả tích cực của ngành thời gian qua", ông Phong nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 14/15 cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận thanh tra theo Kết luận giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; một cuộc còn lại đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo kết luận thanh tra.
Về kết quả (theo báo cáo năm 2021, 2022, 2023 và quý I/2024), toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 25.100 cuộc thanh tra hành chính và gần 609.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế trên 416.700 tỷ đồng, gần 18.900ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính hơn 14.500 tập thể, gần 24.300 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.071 đối tượng, 1.413 vụ việc.
Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chức năng thu hồi trên 11.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ thông tin, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực…