1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cà Mau tính chi hàng tỷ đồng hỗ trợ hãng hàng không khai thác đường bay

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Cà Mau đang tính hỗ trợ một phần chi phí cho các hãng hàng không khai thác đường bay đến tỉnh này, để góp phần duy trì tần suất chuyến bay cũng như mở đường bay mới trong thời gian tới.

Ngày 1/10, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, UBND tỉnh Cà Mau vừa có tờ trình gửi cơ quan thẩm quyền về chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến tỉnh này.

Lấy ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí cho hãng hàng không

Theo tờ trình của UBND tỉnh Cà Mau, đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ là các hãng hàng không sử dụng tàu bay phải giảm tải khi khai thác đường bay đến tỉnh này.

Cụ thể, tỉnh dự kiến hỗ trợ hãng hàng không khai thác đường bay với tổng số chuyến bay đi/đến Cảng hàng không Cà Mau tối thiểu 6 chuyến/tuần, thời gian khai thác tối thiểu 1 năm.

Địa phương cũng tính hỗ trợ chi phí duy trì khai thác đường bay bằng tiền vé của 10% số lượng ghế hành khách của mỗi loại tàu bay, theo từng chuyến bay và không quy định mức tối đa.

Trong đó, mức giá vé để tính hỗ trợ là 3 triệu đồng/ghế đối với đường bay khoảng cách trên 1.000km; 2 triệu đồng/ghế đối với đường bay khoảng cách từ 500km đến 1.000km; 1,5 triệu đồng/ghế đối với đường bay khoảng cách dưới 500km.

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ chính sách này do ngân sách tỉnh cân đối và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Việc hỗ trợ là cần thiết

Theo UBND tỉnh Cà Mau, Cảng hàng không Cà Mau hiện có quy mô cấp 3C, đáp ứng khai thác chủng loại tàu bay như ATR72, Embraer E190 và tương đương.

Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TPHCM và ngược lại, với tần suất 5 chuyến/tuần.

Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội và ngược lại được đưa vào khai thác với tần suất 3 chuyến/tuần. Các chuyến bay luôn có trên 80% số ghế được khai thác sau khi đã giảm tải.

Cà Mau tính chi hàng tỷ đồng hỗ trợ hãng hàng không khai thác đường bay - 1

Cảng hàng không Cà Mau còn khó khăn về hạ tầng nên cũng phần nào hạn chế khai thác đường bay có tải trọng lớn (Ảnh: CTV).

Địa phương đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng của Cảng hàng không Cà Mau còn khó khăn, đường cất/hạ cánh có kích thước (dài 1.500m, rộng 30m) và sức chịu tải hạn chế.

Hiện tại, các tàu bay tầm trung tại cảng phải khai thác với hệ số vượt tải 10% so với chỉ số sức chịu tải của đường cất/hạ cánh (nhưng vẫn phải giảm tải 17%), và tần suất khai thác không vượt quá 5% so với tổng số chuyến bay trong năm.

Dẫn chứng, chính quyền tỉnh cho biết tàu bay Embraer 190 hiện khai thác chiều Hà Nội - Cà Mau có 75/98 ghế và chiều Cà Mau - Hà Nội 83/98 ghế. Tức là mỗi chuyến bay phải giảm tải 38 hành khách. Khối lượng hàng hóa phải giảm tải là hơn 17 tấn.

"Thực trạng trên dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không trong việc duy trì khai thác các đường bay mới đến Cảng hàng không Cà Mau", theo UBND tỉnh Cà Mau.

Do đó, tỉnh này cho rằng việc hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến địa phương là rất cần thiết.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau đạt quy mô cấp 4C, có khả năng tiếp nhận loại tàu bay Airbus 320/321 và tương đương, công suất nâng lên 3 triệu hành khách/năm.

Thực hiện chính sách hỗ trợ có tác động ra sao?

Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đánh giá, khi thực hiện chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến tỉnh sẽ có tác động nhiều mặt.

Về tác động kinh tế đối với Nhà nước, mặt tích cực tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút, khuyến khích các hãng hàng không đang khai thác duy trì, tăng tần suất bay và các hãng hàng không mở mới các đường bay đi, đến Cảng hàng không Cà Mau.

Việc này cũng giúp rút ngắn khoảng cách giữa Cà Mau với các vùng, miền trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.

Song nếu như vậy, ngân sách tỉnh phát sinh thêm kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ.

Đối với các hãng hàng không, mặt tích cực được hỗ trợ một phần chi phí nhằm tăng thêm động lực để có kế hoạch đầu tư mở mới hoặc tăng tần suất chuyến bay đến tỉnh Cà Mau; đồng thời để các hãng hàng không duy trì đường bay mới được ổn định, lâu dài.