1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cà Mau "cầu cứu" chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn

(Dân trí) - Trước tình hình hạn, mặn gây thiệt hại không nhỏ về sản xuất, đời sống dân sinh, tỉnh Cà Mau đã “cầu cứu” các chuyên gia, nhà khoa học để tìm giải pháp ứng phó, khắc phục.

Chiều ngày 24/2, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập vùng ngọt hóa của tỉnh này.

Cà Mau cầu cứu chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn - 1

Cà Mau mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học để tìm giải pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn, mặn.

Thiệt hại từ thủy đến bộ

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại (từ 30% đến 70% hơn 5.500 ha, trên 70% hơn 12.500 ha); rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.

Toàn tỉnh hiện có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; đường giao thông có hơn 900 vị trí sụt lún, với tổng chiều dài gần 22km; có 2 vụ sụt lún đường đê biển Tây với chiều dài gần 200m, có vị trí lún sâu từ 1,8m - 2m.

Cà Mau cầu cứu chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn - 2

Đường sụt lún.

Cà Mau cầu cứu chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn - 3

Kênh khô cạn nước.

Theo ghi nhận trực tiếp của PV Dân trí trong ngày 24/2, tại huyện Trần Văn Thời, nhiều con sông, kênh rạch đã khô cạn nước. Người dân địa phương cho biết, năm nay khó khăn hơn rất nhiều. Kênh rạch không còn nước nên không thể bơm lên để tưới lúa, hoa màu, cũng như không có đường thủy vận chuyển hàng hóa, từ đó phải vận chuyển bằng đường bộ rất lâu và tốn kém.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường gần bờ sông đã bị sụt lún nghiêm trọng và có nguy cơ tiếp tục sụt lún trong thời gian tới, gây mất an toàn giao thông.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho rằng qua so sánh những hiện tượng khác nhau giữa vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt và hệ sinh thái lợ, thời tiết, khí hậu, lượng mưa,... bước đầu xác định nguyên nhân chính là do thiếu nước ngọt, hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín; thiếu nước ngầm, địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu... gây ra sạt lở, sụt lún.

“Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh ĐBSCL, vì vậy thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu thường xuyên gây ra các hiện tượng cực đoan. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài xảy ra thì việc thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, gây hư hỏng các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau”, ông Lê Văn Sử đánh giá.

Cà Mau cầu cứu chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn - 4

Cà Mau đang lo hạn hán, mặn xâm nhập vùng ngọt hóa ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời (vùng màu vàng)

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau, vấn đề đặt ra là dự báo mùa khô năm 2020 có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí tháng 6. Trong khi hiện nay tình hình sụt lún, sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả, nếu kéo dài đến hết mùa khô, thiệt hại sẽ rất lớn.

“Vì vậy, trong khi chờ đợi nghiên cứu thực hiện biện pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt đòi hỏi phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại”, ông Lê Văn Sử trăn trở.

Phó TCT Tổng cục Phòng chống thiên tai nói về sản xuất vùng hạn, mặn.

Cân nhắc giải pháp

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực cả trước mắt và lâu dài để ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Với tình trạng sụt lún, có đại biểu cho rằng việc đưa nước (chủ yếu là nước mặn, vì nước ngọt đã cạn kiệt) vào các con sông, kênh rạch đang khô cạn là một giải pháp cần tính đến. Tuy nhiên, vấn đề này cần tính toán kỹ, bởi khi đưa nước mặn vào vùng ngọt thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.

“Qua ghi nhận cho thấy, trong mùa khô, đường giao thông cạnh các bờ kênh, rạch xảy ra sạt lở là do nguồn nước ở các kênh này khô hạn, không còn giữ được chân đường. Do đó, việc bù nước mặn vào để giảm áp lực là một giải pháp hợp lý”, ông Trần Tân Văn- Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam khái quát.

Cà Mau cầu cứu chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn - 5

Các chuyên gia khảo sát, đánh giá sụt lún tại tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, được đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, PGS.TS Doãn Minh Tâm- Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, thì cho rằng qua khảo sát một số điểm sụt lún (tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc) cho thấy đây là sự cố công trình sụt trượt đất trên nền đất yếu và mang tính cục bộ, chứ không mang tính tổng thể do điều kiện tự nhiên gây ra.

Do đó, ông Tâm đề nghị tỉnh Cà Mau cần cân nhắc giải pháp đưa nước (mặn) vào các sông, kênh khô cạn để giảm sụt lún, vì ngoài vấn đề môi trường thì về mặt kỹ thuật không có ý nghĩa.

Giải pháp mà PGS.TS Doãn Minh Tâm đưa ra là tỉnh cần tập trung chỉ đạo nhà đầu tư, tư vấn nghiên cứu xử lý cục bộ những điểm sụt lún bằng biện pháp công trình. Do đó, vấn đề này cần phải khảo sát, điều tra, tính toán,… để làm rõ hơn.

Cà Mau cầu cứu chuyên gia tìm giải pháp khắc phục hạn, mặn - 6

Đại biểu đề nghị tỉnh Cà Mau cần tính toán kỹ giải pháp đưa nước (mặn) vào để giảm sụt lún.

Với tình trạng đường đê biển Tây bị sụt lún, ông Nguyễn Trường Sơn- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề nghị tỉnh Cà Mau sớm khảo sát, đánh giá cụ thể nguyên nhân. Sau đó lập phương án hộ đê cụ thể để xử lý.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh Cà Mau xem xét lại quy hoạch vùng sản xuất sao cho hợp lý với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Còn về nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt thì giải pháp trước mắt là dự trữ nước, quản lý giếng khoan,,..; về lâu dài thì nghiên cứu đến việc đưa nước sông Mekong về cho vùng Cà Mau.

Liên quan đến sụt lún, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, còn có việc công bố thiên tai. Qua trao đổi với đại biểu cho thấy, có một số vấn đề rõ thêm, do đó tỉnh sẽ báo cáo Tỉnh ủy về điều kiện để công bố tình huống thiên tai hạn hán cấp 2. Sụt lún do hạn hán (thiên tai) chưa quy định cụ thể trong luật, nhưng thực tế diễn ra là có. Nếu như tập thể lãnh đạo tỉnh đồng ý thì công bố tình huống thiên tai, để xử lý các biện pháp tiếp theo.

Huỳnh Hải