ĐBSCL:
Nguy cơ mất trắng hàng nghìn héc ta lúa vì hạn mặn
(Dân trí) - Khu vực ĐBSCL đang đối mặt với đợt hạn mặn gay gắt, hàng nghìn héc ta lúa vụ đông xuân có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước ngọt.
Nông dân héo ruột nhìn lúa chết khô
Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt hơn năm 2016. Hàng nghìn ha lúa, vườn cây ăn trái có nguy cơ mất trắng do thiếu nước ngọt, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu…
Đến những vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn ở Bến Tre, Sóc Trăng, nhiều hộ nông dân “héo ruột” nhìn lúa chết khô ngoài đồng. Nhiều hộ dân khác đang bị nước mặn bao vây, bà con như đang ngồi trên đống lửa.
Hộ ông Sơn Ngọc Thành (ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) và nhiều hộ dân khác đã đánh bỏ lúa vì nước sông mặn chát. Ông Thành cho biết, ông có 1,5 ha được hơn 30 ngày tuổi đành bỏ cho lúa chết. Theo ông Thành, đợt hạn mặn năm nay đến sớm vào nặng nề hơn 2016.
Ông Thạch Cường (cùng xã Tân Hưng) dẫn chúng tôi ra đồng buồn bã nói, mấy ngày qua cả nhà như ngồi trên đống lửa khi nước mặn bủa vây, trời tiếp tục khô hạn làm 4,3ha đất trồng lúa của ông trong tình thế “5 năm 5 thua”.
Ông Cường nói: “Những ruộng lúa kế bên đã cháy khô hết rồi. Còn ruộng lúa của tôi đang chuẩn bị trổ, nếu không bơm nước vào thì 3 - 4 ngày nữa lúa sẽ chết. Trong lúc không còn cách nào khác, tôi đành bơm nước mặn cầm chừng vào cứu lúa. Nếu những ngày tới có mưa, giảm bớt hạn mặn thì cánh đồng lúa có thể cứu”.
Tại Bến Tre, bà Phạm Thị Thúy (ngụ xã An Phú Trung, huyện Ba Tri) ngồi bên ruộng lúa chết khô bùi ngùi cho biết, gia đình bà xuống giống 5.000 m2 lúa vụ ba với hy vọng vừa thu hoạch lúa vừa tận dụng nguồn rơm cho bò ăn. Tuy nhiên, khi xuống giống được gần một tháng thì nước mặn xâm nhập về con kênh nội đồng phía trước nhà nên toàn bộ diện tích lúa đã chết khô.
Bà Thúy cho biết: “Gia đình đã đầu tư hơn 5 triệu đồng vào ruộng lúa nhưng đến thời điểm hiện tại, lúa gần như chết hết, coi như mất trắng”.
Không chỉ ruộng nhà bà Thúy mà nhiều hộ dân trong vùng cùng chung cảnh ngộ. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của hạn mặn nên lúa sinh trưởng chậm, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 657ha. Nếu tình hành hạn mặn kéo dài, diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại sẽ còn tăng cao.
Hàng nghìn héc ta lúa có nguy cơ mất trắng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn khoảng 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Tính đến ngày 6/2, tỉnh đã xuống giống vụ lúa hơn 197.000ha, thu hoạch gần 81.000ha, năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha; sản lượng lúa đạt hơn 507.000 tấn.
Do tỉnh chủ động ngay từ đầu nên diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống không bị thiệt hại. Tuy nhiên, số lượng 1.000ha bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn là do người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 (vụ Xuân – Hè) không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú cho biết, năm nay mặn sớm hơn 1 tháng và cao hơn rất nhiều so với mùa khô trung bình nhiều năm. Từ đầu tháng 12/2019 đến nay nồng độ duy trì ở mức cao, hiện nay các kênh đã khô cạn nước, độ mặn ngày 6/2 là trên 6‰ đã ảnh hưởng đến sản xuất người dân. Cụ thể, là hơn 3.600 ha lúa đông xuân muộn (nhà nước không khuyến cáo sản xuất) đang thiếu nước nghiêm trọng và gần như mất trắng.
Tại Bạc Liêu, nông dân ở vùng ngọt ổn định của huyện Phước Long đã xuống giống gần 14.000 ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các kênh nội đồng trên địa bàn huyện đã bị cạn, dự báo có khoảng 2.200 ha lúa đông xuân có nguy cơ thiếu nước trong những ngày tới.
Tại tỉnh Trà Vinh, tình hình nước mặn trên địa bàn không ngừng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Hiện các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành là những nơi có diện tích lúa Đông Xuân bị thiệt hại nhiều nhất với khoảng 8.000 ha bị thiệt hại từ 30 – 70% và mất trắng.
Ông Nguyễn Mạnh Thái, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết, toàn huyện có gần 12.000 ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn 25-50 ngày tuổi. Hiện 100% diện tích lúa đều bị ảnh hưởng nặng hạn, mặn; trong đó, có gần 4.000 ha lúa nguy cơ mất trắng.
Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cho biết có trên 10.000 ha lúa Đông Xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng 1 tuần do đóng cống ngăn mặn. Đồng thời, có 31 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch cấp nước cho trên 66.200 hộ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng 10 ngày trong thời kỳ độ mặn lên cao, đóng cống ngăn mặn.
Do nguồn nước thu từ kênh, rạch bị nhiễm mặn và khó khăn trong việc trữ nước ngọt nên buộc các nhà máy phải khai thác nước ngọt bị nhiễm mặn để cấp tạm thời trong những ngày mặn lên cao. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và nhân dân có bước chủ động trước nên xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn, hiện chưa ghi nhận thiệt hại trên hai lĩnh vực này.
Trong chuyến khảo sát thực tế tình hình hạn mặn ở ĐBSCL (ngày 9-10/2) Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng rằng, hạn mặn năm nay hà khắc hơn năm 2015 – 2016. Tuy nhiên ngay từ tháng 9/2019, Chính phủ đã có chỉ đạo, chống khô hạn bằng các giải pháp như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn từ 15 - 25 ngày để tận dụng nguồn nước đầu vụ và tiết kiệm nước cuối vụ; đồng thời sử dụng giống ngắn ngày và không bố trí sản xuất vụ xuân hè (đông xuân muộn) khoảng 100.000 ha. Do đó, vụ mùa năm nay đã đi được nửa chặng đường, kết quả đạt được khá tích cực. Cụ thể, toàn vùng có 1,5 triệu ha lúa đông xuân, đã có 60% diện tích thu hoạch tốt, 40% còn lại trà lúa đang làm đòng, dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa bắt đầu gặt.
Nguyễn Hành