Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải vừa ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông.

Theo đó, Chủ tịch tỉnh Cà Mau quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông, đoạn từ Đất Mũi đến Vàm Xoáy (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) với chiều dài 3km.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND huyện Ngọc Hiển khẩn trương khoanh vùng khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn.

Trước mắt, tỉnh cho chủ trương triển khai thi công xây dựng kè với chiều dài khoảng 1km tại đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm từ điểm cuối của Rạch Mũi hướng về Vàm Xoáy.

UBND huyện Ngọc Hiển và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có trách nhiệm vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực này để làm cho làm cho tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.

Tăng cường công tác tuyên truyền và cảnh cáo tình hình sạt lở để người dân chủ động phòng tránh và có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp đai rừng phòng hộ bị sóng biển phá hủy hoàn toàn.

Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - 1

Khu vực sạt lở ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: CTV)

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh có hơn 26 km bờ biển, bờ sông bị sạt lở (dài nhất khoảng 5.000m, ngắn nhất cũng trên 1.200m) cần khẩn cấp xử lý. Các khu vực này tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn và huyện Đầm Dơi.

Trong đó, bao gồm các khu vực: Cửa biển Vàm Xoáy, cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Hố Gùi (3 nơi này là ưu tiên hàng đầu trong danh mục khẩn cấp của tỉnh) bờ biển đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, bờ biển đoạn từ kênh Chốn Sóng đến kênh Năm Ô Rô, cửa biển Hốc Năng, khu dân cư thị trấn Năm Căn, bờ biển đoạn từ kênh Năm Ô Rô đến kênh Năm.

Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nhiều khu vực cửa biển, bờ biển sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình một năm mất từ 80m-100m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, hở hàm ếch vào phía trong, làm mất từng mảng diện tích rừng rất lớn (có nơi trong 10 năm mất hàng trăm ha rừng).

Tình trạng sạt lở diễn ra đặc biệt nguy hiểm và liên tục, nhất là vào mùa mưa bão thì sạt lở càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp các cửa biển, gây ảnh hưởng đến các cơ quan hành chính, khu dân cư, công trình giao thông, trạm y tế, trường học, đường quốc lộ, hệ thống điện…

Huỳnh Hải