TPHCM:
Cả đại đội xe chở thuốc lá lậu chạy ầm ầm mà không bị... chặn
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, giá cả thuốc lá trong nước với thuốc lá lậu chênh lệch lớn, tạo nên “siêu lợi nhuận” nên nhiều người lao vào buôn thuốc lá lậu. Đội quân buôn lậu thuốc lá đông như trung đội, đại đội nối đuôi nhau chạy về TPHCM mà không ai ngăn chặn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết như trên tại hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm, diễn ra ngày 18/10 tại TPHCM.
Long An muốn tái xuất thuốc lá lậu
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa phương trọng điểm đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt, các đối tượng còn bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển.
Ngoài ra, đối tượng buôn thuốc lá lậu manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Họ hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ. Buôn thuốc lá lậu có lợi nhuận lớn nên nhiều người tham gia.
Ông Chí cho biết, việc tiêu hủy thuốc lá lậu bị tịch thu gây lãng phí của cải xã hội, đồng thời phải chi thêm khoản tiền để thực hiện tiêu hủy; gây ô nhiễm môi trường và phản cảm, bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, ông Chí kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế tiêu hủy thuốc lá bị tịch thu (như trước đây) với các điều kiện tăng mức hỗ trợ từ 3.500 đồng lên 5.500 đồng/bao. Hoặc chọn phương án thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: “Thời gian qua số vụ phát hiện không nhiều nhưng phát hiện vụ nào thì lớn vụ đó. Có vụ tới 240.000 thùng (mỗi thùng 50 bao), sau gần 3 năm điều tra mới đưa ra xử lý hình sự”.
Theo Thiếu tướng Sơn, khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình thì các đối tượng lại chuyển hoạt động sâu vào trong nội địa. Người dân là đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. Nhưng do cơ chế xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các đầu nậu sẵn sàng chi tiền để người dân đóng phạt và tiếp tục tái phạm.
Thiếu tướng Sơn cũng nêu quan điểm không đồng ý phương án tái xuất thuốc lá nhập lậu. “Hầu hết bao bì, nhãn mác… chúng ta đều nhập. Bây giờ tái xuất liệu nước nào sẽ nhận. Chẳng lẽ lại xuất sang Lào, Campuchia hay Trung Quốc. Làm không tốt có khi lại tạo điều kiện hợp pháp cho thuốc lá lậu trở lại Việt Nam”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An – lại đề xuất cho thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu còn đảm bảo chất lượng.
Ông Hồng phân tích: “Nhà nước không phải bỏ ra bất cứ đồng tiền nào để tái xuất thuốc lá. Cụ thể là năm 2014 đã xuất được hơn 12 triệu gói và thu về gần 50 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Long An đã thu được hơn 14 tỷ đồng. Chủ yếu là xuất sang thị trường Thái Lan”.
Đại đội xe máy chở thuốc lá lậu về TPHCM
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết phương án tiêu hủy hay tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đều có những mặt lợi. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ và có đánh giá cụ thể từng phương án.
“Nếu tiêu hủy, đã thật sự tốt hay chưa? Vì trong nước tiêu hủy, nguồn thuốc lá lậu bên kia biên giới chỉ đợi chúng ta lơ là thì số lượng thuốc lá lậu sẽ phát triển mạnh hơn để bù vào số đã bị các cơ quan chức năng tiêu hủy. Còn nếu tái xuất thì có hiệu quả kinh tế. Nhưng về mặt pháp lý có đảm bảo, có vi phạm Công ước mà Việt Nam đã kí kết hay không? Vi phạm luật của nước thứ 3 hay không? Bộ Tư pháp cần chủ trì nghiên cứu vấn đề này và báo cáo Chính phủ”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và lưu ý nếu vi phạm công ước quốc tế thì chắc chắn không tái xuất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay vẫn tiếp tục tiêu hủy thuốc lá lậu, còn địa phương nào đủ điều kiện tái xuất thì phải trình đề án cụ thể. “Phải nêu rõ khối lượng, xuất có hiệu quả hay không? Có doanh nghiệp nào hợp pháp đứng ra làm hay không? Thị trường nào tiêu thụ được và đặc biệt là cơ chế giám sát. Vì tôi nghe báo cáo thì tiêu hủy cũng có phần tiêu cực (đưa ra tiêu thụ lén), rồi tái xuất cũng có vấn đề”, ông Bình lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên vì người đứng đầu chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chưa làm thường xuyên, quyết liệt. Còn có cán bộ thiếu trách nhiệm, thậm chí còn có trường hợp bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn thuốc lá lậu.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải chấn chỉnh công tác quản lý địa bàn và phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán thuốc lá lậu. “Có lúc hàng đoàn xe chạy từ biên giới về TPHCM mà không bị ngăn chặn đẩy lùi. Rất là phản cảm. Có thể nói là tiểu đội, trung đội, đại đội xe máy chở thuốc lá chạy ầm ầm trên đường suốt từ biên giới vào TP mà không bị ngăn chặn”.
“Đồng thời, không thể để tái diễn tình trạng lực lượng chức năng gác đầy biên giới, cửa khẩu mà hàng lậu thoải mái qua biên giới, không kiểm tra. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng đây chính những kẻ hở để hàng lậu tràn qua biên giới”, ông Bình nói.
Phó Thủ tướng cũng thừa nhận thực tế là giá thuốc lá trong nước và giá thuốc lá lậu chênh lệch quá cao, chênh lệch từ 5.000 đến 15.000 đồng, nên thu hút nhiều người tham gia và tiếp tay cho buôn lậu.
“Sản phẩm thuốc lá trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về giá và gu của người hút thuốc lá là miếng đất tốt cho tình trạng buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá lậu. Chúng ta phải giải bài toán cung – cầu. Giá cả chênh lệch lớn, siêu lợi nhuận là người ta lao vào làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của người dân, hạn chế tiêu thụ thuốc lá lậu. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, điều kiện sản xuất cho đời sống người dân vùng biên giới khá hơn, tuyên truyền pháp luật cho người dân không tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.
Quốc Anh