Hà Tĩnh:
Cá chết rải đầy bờ biển, dân nghi bị nhiễm chất độc
(Dân trí) - Tình trạng cá chết tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) vẫn tiếp tục diễn ra khiến người dân nơi đây chưa thoát cảnh hoang mang, lo lắng.
Cá tiếp tục chết hàng loạt
Ngày 18/4, sau khi nhận được tin báo của người dân về tình trạng cá tiếp tục chết đồng loạt quanh khu vực biển Vũng Áng, nơi có khu công nghiệp Formosa và nhiều nhà máy lớn khác hoạt động, PV Dân trí đã trở lại nơi đây.
Đúng như phản ánh của người dân, dọc bờ biển từ xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên vào đến xã Kỳ Nam, cá biển đủ loại chết trắng, trôi dạt lềnh bềnh trên mặt nước. Càng về cuối chiều, khi mực nước xuống thấp, cá chết dạt hẳn trên cả dãi cát dài, hay phơi xác trên các ghềnh đá. Nhiều cá thể cá, trong đó có cả những con dài hơn một mét, trọng lượng lên tới cả chục kg, chết còn tươi rói, rỉ máu, trông thật xót xa.
Cá đuối lớn chết còn tươi rói, dạt vào bờ biển Kỳ Nam chiều ngày 19/4.
Anh Thông, người dẫn chúng tôi trở lại vùng biển Vũng Áng xót xa: “Cá chết rất nhiều, kéo dài vài tuần nay chứ chưa chấm dứt. Cá chết nhiều đến nỗi, có ngày một ngư dân ở đây có thể vớt được cả tạ”.
Anh Thông chỉ tay về hơn chục con thuyền bé nhỏ đang dập dìu cách bờ biển khoảng chừng 2-3 km ấy cho biết, hầu hết những ngư dân này chủ yếu đi vớt cá biển nổi trên mặt biển. “Họ nhặt đem về ướp đá , đem đi vùng khác bán thôi, chứ người dân bày tui ở đây giờ rất ngại ăn cá biển” – anh Thông nói.
Tại khu vực bở biển Kỳ Nam, nằm ngay sát chân Đèo Ngang, bờ biển bốc mùi hôi thối, hăng hắc bốc lên nồng nặc, khó chịu. Tại đây còn xuất hiện cả tình trạng một số chim biển chết ngay bên cạnh xác cá.
Đáng chú ý tại khu vực này có nhiều dấu hiệu cho thấy rong biển cũng đang chết, trôi dạt vào bờ. Anh Đức, kỹ sư nuôi tôm của công ty Growbest Hà Tĩnh, một cơ sở nuôi tôm công nghệ cao tại bờ biển Kỳ Nam chỉ tay vào mép biển xuất hiện rong chết trôi dạt cho hay, hai năm nuôi tôm ở đây anh chưa thấy hiện tượng này bao giờ. Thậm chí, theo anh Đức, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy rong biển ở sát bờ đang chết.
“Tôi chắc chắn rong biển chết có liên quan đến tình trạng cá, tôm chết đồng loạt ở khu vực này. Đây là một điều hết sức bất thường” – anh Đức nói.
Trong khi người dân hoang mang trước tình trạng cá biển chết đồng loạt chưa có dấu hiệu dừng lại, thì người nuôi trồng thủy sản ở vùng biển Kỳ Anh đang sống những ngày khốn đốn nhất. Cơ sở nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Growbest Hà Tĩnh, nơi PV Dân trí đã có dịp thị sát cách đây hơn một tuần, hiện đang trong tình cảnh sống dở chết dở. Ngoài 2 ao tôm chết sạch, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng, 6 ao còn lại sắp thu hoạch hiện không thể sử dụng nước biển như thường lệ.
“Đưa nguồn nước ở vùng biển khác vào thay thế là không thể. Để duy trì các ao nuôi, chúng tôi chỉ còn cách giảm thức ăn của tôm, giảm thấp nhất tác động của môi trường. Công ty đang tính đến phương án thu hoạch non các ao tôm còn lại”- kỹ sư Đức nói.
Cũng theo kỹ sư Đức, tình trạng khó khăn không còn đường lùi, công ty đã phải làm đơn cầu cứu khẩn cấp tới UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Xác minh thông tin Formosa dùng lượng hóa chất lớn rửa đường ống
Có một thông tin đáng chú ý mà người dân và cả công nhân làm việc trong công trường Formosa (xin được giấu tên) cung cấp cho PV Dân trí là thời điểm cá chết tại vùng biển Vũng Áng và khu vực phụ cận trùng với dịp công ty Formosa dùng một lượng lớn hóa chất để tẩy rửa, làm sạch, chống ăn mòn cho hệ thống đường ống dẫn và các nhà máy trong khu công nghiệp này.
Trưa 19/4, PV Dân trí đã thông tin nội dung trên đến ông Lê Đình Sơn - Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ông Sơn cho hay, ông cũng đã nắm được thông tin này và đã chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc xác minh, báo cáo với tỉnh.
Chiều cùng ngày, PV Dân trí đã làm việc với Chi cục Hải quan Vũng Áng để nắm thông tin việc nhập khẩu hóa chất phục vụ sản xuất của phía Công ty Formosa. Theo tài liệu phía Hải quan Vũng Áng cung cấp, từ ngày 8/1/2016 đến 11/4/2016, phía công ty này đã thông quan, nhập về gần 297 tấn hóa chất, trong số này có những hóa chất chống gỉ CYC-VPrefilm900, chất loại bỏ gỉ CYC-Vprefilm400, chất chống ăn mòn CYC-Vclosetrol360, chất chống ăn mòn CYC-VMA 796…
Theo danh sách này Fornosa đã nhập về 296,901 tấn hóa chất độc hại để phục vụ các hoạt động trong khu công nghiệp của mình.
“Những mặt hàng này được các bộ, ngành cấp phép, đương nhiên Formosa có quyền nhập để phục vụ sản xuất, hoạt động của họ. Tuy nhiên, quá trình sử dụng như thế nào, nguồn nước thải sau khi sử dụng hóa chất độc hại này như thế nào là trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường” – vị cán bộ hải quan cung cấp cho hay.
Cuối giờ chiều qua, sau nhiều nỗ lực liên hệ, PV Dân trí tiếp tục làm việc với Phòng Quản lý môi trường thuộc BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh về nghi vấn hóa chất tẩy rửa đường ống, phục vụ sản xuất trong khu công nghiệp Formosa có liên quan đến tình trạng cá, tôm chết đồng loạt. Một cán bộ quản lý môi trường của ban này cho biết, ông vừa làm việc với đại diện Công ty Formosa về nội dung trên. “Fomosa xác nhận có dùng một lượng lớn hóa chất phục vụ cho các hoạt động của họ. Tuy nhiên, họ thông tin, quy trình sử dụng hóa chất rất nghiêm ngặt, đảm bảo môi trường”- vị cán bộ này cho hay.
Khi được hỏi, Formosa dùng một lượng lớn hóa chất cụ thể là bao nhiêu, quy trình sử dụng nghiêm ngặt như thế nào thì vị cán bộ này đề nghị PV làm việc trực tiếp với phía Formosa.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Văn Dũng – Tiến Hiệp