1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Buýt nhanh, tàu trên cao có “cõng” thay được hàng vạn xe máy?

(Dân trí) - Buýt nhanh, đường sắt trên cao là cơ sở để Hà Nội thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi. Câu hỏi đặt ra là các phương tiện công cộng này có “cõng” được hàng trăm ngàn người thay cho xe máy?

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tiến tới lộ trình cấm hẳn xe máy hoạt động trong trung tâm vào năm 2030, TP sẽ từng bước cấm thí điểm theo “vết dầu loang” ở một số tuyến đường đủ điều kiện, đặc biệt là những tuyến có phương tiện vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Cụ thể, dự kiến TP Hà Nội sẽ cấm xe máy thí điểm tại một trong hai tuyến đường là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi. Cơ sở để cấm xe máy hoạt động một trong hai trục đường hướng tâm đó là dựa vào năng lực vận tải hành khách của tuyến buýt nhanh Kim Mã – Yên Nghĩa và đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Buýt nhanh, tàu trên cao có “cõng” thay được hàng vạn xe máy? - 1

Hà Nội đang tính tới việc  thí điểm cấm xe máy trong khu vực trung tâm.

Thông tin Hà Nội sẽ thí điểm cấm đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi khiến nhiều người băn khoăn với việc "di chuyển bằng phương tiện nào cho phù hợp?".

“Gia đình tôi vừa bán ô tô, chuyển sang đi xe máy cho đỡ tắc đường thì lại có thông tin chuẩn bị cấm xe máy. Sau này khi chính thức thí điểm thì không biết đi làm trong nội thành kiểu gì”, chị Nguyễn Thị Hương nhà ở Mỗ Lao (Hà Đông) nói.

Những năm gần đây, hàng loạt khu chung cư cao tầng mọc lên ở quận Hà Đông, Thanh Xuân, kéo theo mật độ giao thông kể cả ô tô và xe máy trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương ngày càng tăng. Vì vậy, dù được đầu tư mở rộng hơn rất nhiều nhưng các tuyến đường này vẫn thường xuyên ùn tắc bất kể vào giờ thấp điểm hay cao điểm.

Do vậy, nhiều người dân lo ngại tình trạng người sử dụng xe máy sẽ đổ dồn sang tuyến đường không bị cấm. Điều đó khiến ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn.

“Theo tôi cấm bất kể đường nào thì đường còn lại sẽ tắc gấp đôi, đi lại còn khó khăn hơn”, anh Nguyễn Văn Hùng nhà ở Văn Quán (Hà Đông) lo ngại.

Thực tế, với việc cấm xe máy trên một trong hai tuyến đường kể trên, TP Hà Nội mong muốn người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng (buýt nhanh, đường sắt trên cao). “Phải có đủ điều kiện cho người dân di chuyển thì TP mới tính đến việc cấm xe máy. Lúc đó phương tiện vận tải công cộng chắc chắn phải đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Vũ Văn Viện nói.

53930187_1216341521848325_105932769900625920_n.jpg

Theo ông Viện, tại những nơi đủ điều kiện như hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, chỉ có cấm xe máy thì người dân mới chuyển sang phương tiện công cộng. Nhiệm vụ của TP là sẽ phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Viện nhận định, thực tế đi phương tiện cá nhân tiện hơn giao thông công cộng. Do vậy, trong các quận trung tâm TP, dù mạng lưới xe buýt có đủ nhưng người dân vẫn không bỏ thói quen đi xe máy. “Mỗi người đi một xe lúc nào chẳng tiện hơn. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay.

Đề cập đến năng lực vận tải hành khách trong trường hợp tuyến đường Nguyễn Trãi cấm xe máy, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội đưa ra so sánh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông năng lực tĩnh tương đương với 12 tuyến xe buýt 80 chỗ ngồi. Còn nếu năng lực động (tốc độ gấp hơn 2 lần xe buýt), thì tương đương 24 tuyến xe buýt 80 chỗ ngồi.

Theo ông Trường, dù giá vé có cao hơn xe buýt nhưng đổi lại hành khách được dịch vụ tốt hơn. “Với giá vé và tốc độ trên, có thể nói đi tàu đường sắt đô thị nhanh hơn xe máy, rẻ hơn Grab”, ông Trường nói và cho biết, đi 13 km toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mất khoảng 22 phút.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), việc thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng trên tuyến này phải là ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, TP sẽ phải điều chỉnh kết nối buýt nhanh và tuyến đường sắt thuận lợi hơn cho hành khách. “Xe buýt nhanh vẫn chưa chạy hết tần suất của cơ số phương tiện hiện có. Do vậy, khi có điều kiện sẽ cung ứng đủ nhu cầu của nhân dân”, ông Hải nói.

Theo ông Hải mục tiêu của vận tải công cộng là thu hút tối đa nhất người dân sử dụng. Tuy nhiên, cũng có một đối tượng không có nhu cầu sử dụng (chở hàng, đi lại trong quãng ngắn) nên cần phải có kịch bản cho người dân sử dụng xe máy.

Quang Phong