1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Buồn vui chuyện con cáy

(Dân trí) - Nhờ con cáy mà một số xã chiêm trũng của huyện Nông Cống và Quảng Xương (Thanh Hóa) đã “thay da đổi thịt”. Nhưng do lợi nhuận cao, việc tranh giành mua bán không lành mạnh nên cũng gây ra nhiều cuộc đánh, chém nhau đẫm máu, thậm chí có cả chết người.

Đổi đời vì cáy

Xã Tế Nông trước đây là một xã nghèo của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đời sống của người dân chỉ trông chờ vào hạt thóc. Sau mỗi mùa gặt, không có việc gì làm, người dân nơi đây lại ra đồng bắt cáy về cải thiện bữa ăn và bán kiếm thêm thu nhập.

Ngày trước con cáy chẳng có mấy người ăn, cho cũng không ai muốn. Nhưng giờ đã khác, con cáy từ chỗ “vứt đi” nay đã có giá trị cao gấp hàng chục lần làm lúa. Khi con cáy “lên ngôi”, người bắt cáy đã được đổi đời. Rất nhiều người đã tính chuyện làm giàu từ cáy. Nhờ đó mà nhiều người dân ở Tế Nông đã thoát nghèo, có thể lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Nhờ con cáy mà bà con vùng chim trũng ở Quảng Xương, Nông Cống đã được đổi đời
Nhờ con cáy mà bà con vùng chim trũng ở Quảng Xương, Nông Cống đã được đổi đời

Theo người dân, nghề bắt cáy ở đây có từ thời xưa, nhưng ngày đó có ai giàu được từ cáy đâu. Người bắt cáy ở Tế Nông khi xưa cũng giống như thân con cáy, suốt ngày bàn chân ngập bùn lặn lội bờ sông mà cuộc sống vẫn chật vật, miếng ăn còn không đủ. Ngày đó người ta bắt theo lối thủ công truyền thống, cả ngày cũng chỉ được vài cân, có khi chỉ vài lạng. Nhọc nhằn là vậy nhưng chỉ đổi được dăm bò gạo.

Thế mà chẳng ai ngờ được, có một ngày “cơn sốt” cáy đã xuất hiện. Cách đây gần 10 năm, ngày đó có một số người trong xã đứng ra thu mua cáy của bà con đem ra các tỉnh ngoài như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… tiêu thụ với giá rất cao. Dần dần nhu cầu về cáy rất lớn vì đây là loại thực phẩm có thể làm được mắm, có nhiều chất dinh dưỡng nên có rất nhiều thương lái tìm đến xã Tế Nông và một số xã khác ven sông thị Long, sông Hoàng, sông Yên (nơi có nhiều cáy) để đặt hàng, thu mua. Nhờ đó, mà mỗi 1 kg cáy trước kia có vài ba nghìn đồng giờ đã tăng lên 30 – 32.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên gần 40.000 đồng/kg.

Anh Lê Văn Nam (thôn 1, xã Tế Nông), cho biết: “Nghề bắt cáy ở địa phương có từ lâu rồi, trước đây bà con thường đi bắt theo lối thủ công, nhưng mấy năm nay người dân đã đan rọ để đi bẫy bắt cáy, nên có nhiều nhà mỗi ngày có thể kiếm được 500 – 700.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng”.

Con cáy được người dân thu mua rồi bán ra các tỉnh ngoài
Con cáy được người dân thu mua rồi bán ra các tỉnh ngoài

Mùa cáy bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, dụng cụ bắt cáy là những chiếc rọ bằng tre, mồi là những vỏ ốc được rang với cám.

Từ sáng sớm khi mặt đất còn ướt hơi sương, nhiều người đã ra đồng đặt rọ cáy. Khi nước triều lên, cáy ra khỏi hang đi kiếm ăn sẽ mắc vào rọ, đến chiều, người dân chỉ việc thu rọ mang về. Con cáy đã thực sự đã giúp nhiều người dân ở các xã Tế Tân, Tế Nông đổi đời.

Đổ máu vì cáy

Thế nhưng, nghề bắt cáy ở vùng này những năm gần đây “người khôn, của hiếm” thật không dễ. Lợi nhuận cao, nên thị trường mua bán cáy trở nên khốc liệt. Con cáy giúp người dân đổi đời nhưng cũng từ con cáy, nhiều cuộc đánh, chém nhau đẫm máu tranh giành cũng diễn ra.

Một số đối tượng đứng ra “bảo kê”, tranh giành làm lũng đoạn thị trường thu mua cáy. Nếu ai không tuân theo sẽ bị xử theo “luật rừng”. Nhiều người buôn bán chân chính trái lệnh đã bị một số đối tượng có “số má” dọa dẫm, chặn đường đánh “dằn mặt”, thậm chí có người còn bị cắt gân, truy sát đến chết.

Ông Nguyễn Văn Bạo (ngụ thôn 1, xã Tế Nông), cho biết gia đình ông là một trong những hộ có thâm niên thu mua cua cáy. Trước đây việc làm ăn rất thuận lợi, nhưng kể từ ngày con cáy có giá, lợi nhuận cao, gia đình ông đã bị một số đối tượng có “máu mặt” chèn ép bắt phải bán cho họ với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Cũng theo ông Bạo, trước đây ông có nhiều mối làm ăn ở các tỉnh ngoài, họ tới tận nhà để nhập hàng nên rất thuận tiện, nhưng mấy năm nay những bạn hàng của ông không dám vào lấy hàng vì bị dọa đánh, dọa giết suốt.

Khi con cáy lên ngôi thì cuộc sống của người dân cũng trở nên phức tạp.
Khi con cáy "lên ngôi" thì cuộc sống của người dân cũng trở nên phức tạp.

“Giá cáy hiện nay đang dao động từ 45 – 50.000 đồng/kg, nhưng tôi chỉ mua của bà con giá 30 – 31.000 đồng/kg rồi sau đó bán lại cho các đối tượng trên. Việc chèn ép này khiến người dân rất thiệt thòi, nếu chúng tôi nhập thẳng hàng cho các đầu nậu thì giá mua vào của người dân sẽ cao hơn rất nhiều” – ông Bạo cho biết thêm.

Có lẽ, cho đến bây giờ, người dân Thanh Hóa vẫn chưa ai quên được vụ án mạng kinh hoàng liên quan đến con cáy ở xã Tế Nông xảy ra vào giữa tháng 5/2012.

Vụ án mạng xảy ra tại nhà ông Đỗ Phát Lai (SN 1964) bị côn đồ truy sát đẫm máu khiến ông Lai bị chém chết với hàng chục vết chém trên cơ thể, bà Đoàn Thị Cúc và cháu Đỗ Văn Dũng (vợ và con ông Lai) bị thương nặng khiến bà Cúc tổn hại 49,71% sức khỏe.

Sau khi án mạng xảy ra, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và xác định nguyên nhân gia đình ông Lai bị truy sát liên quan đến việc mua bán cáy. Nguyễn Thanh Hải (tức Hải “đạm”, SN 1971, ngụ xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương) và Vũ Quốc Cường (SN 1978, ngụ TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chính là hai đối tượng đã dùng dao truy sát cả nhà ông Lai, trong đó Hải “đạm” là kẻ chủ mưu. Cường đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên án tử hình, Hải “đạm” tuyên án 25 năm tù.

Trước đó, vào năm 2011, cũng liên quan đến việc tranh giành mua bán cáy, ông Nguyễn Khắc Dương (SN 1969, ngụ xã Thăng Bình, huyện Nông Cống), là người đi giao hàng hộ cho ông Nguyễn Khắc Huấn, đã bị một số đối tượng chặn đầu xe ô tô khi xe chạy tới địa bàn xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương rồi dung dao, kiếm chặt đứt 2 gân tay và 1 gân chân của ông Dương.

Theo người nhà nạn nhân thì ông Dương không làm nghề buôn bán cua cáy, hôm đó ông đi giao hàng hộ cho ông Huấn (là em họ) nên mới bị oan. Vụ việc đã xảy ra 6 năm nay, nhưng đến nay cơ quan công an vẫn không tìm ra được những kẻ đã cắt gân tay, gân chân của ông Dương.

Đó chỉ là một trong số những vụ án điển hình chém giết, thanh toán nhau liên quan đến việc mua bán cáy trên địa bàn. Ngoài ra còn rất nhiều vụ gọi điện dọa dẫm, chặn đường đổ xăng vào cua cáy, bắn thủng lốp xe ô tô đã từng xảy ra tại Thanh Hóa liên quan đến việc giành giật thị trường mua bán con cáy.

Gần đây nhất vào tối ngày 12/5, trên tuyến đường tránh TP Thanh Hóa, xe chở cáy của anh Nguyễn Văn Đức (SN 1981, ngụ xã Quảng Yên), đang trên đường chở cáy ra Nam Định, Hải Phòng giao hàng thì bất ngờ có một nhóm đối tượng (khoảng 10 người) đi trên xe máy chặn xe đổ xăng dọa đốt rồi sau đó dùng gạch đá ném vỡ nát kính xe. Theo anh Đức trước khi xảy ra sự việc 1 ngày có một đối tượng gọi điện đến dọa nếu tiếp tục chạy cáy sẽ bị giết; đến tối hôm sau thì xảy ra sự việc.

Bình Minh