1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

Buôn cổ nhất Tây Nguyên có nguy cơ... biến mất!

(Dân trí) - Cổ vật, phong tục, trang phục của người Ê Đê dần mai một theo năm tháng, những ngôi nhà kiên cố, khang trang “lấp” dần những ngôi nhà cổ hàng chục năm tuổi. Mặc dù dự án bảo tồn đã được triển khai thực hiện, song gần 10 năm qua, một trong những buôn cổ nhất Tây Nguyên vẫn đứng trước nguy cơ biến mất.

Nỗi niềm buôn cổ

Theo người dân buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), cách đây đã mấy trăm mùa rẫy, cụ Aya H’Gân từ Đắk Lắk đã vượt sông Sêrêpốk sang bờ Nam lập ra buôn Buôr. Trong tiếng Ê đê, Buôr có nghĩa là vùng đất cao ráo được bao bọc bởi những con sông, con suối.

Buôn có bến nước thuộc dòng suối Ea Măng chảy về. Bên bến nước có cây bông gòn, người đời sau gọi đó là cây linh hồn của buôn. Hơn 100 năm tồn tại, buôn Buôr đã trải qua gần chục đời “chủ”.

Ama Gun bên căn nhà truyền thống còn sót lại nằm xen lẫn nhưng ngôi nhà hiện đại
Ama Gun bên căn nhà truyền thống còn sót lại nằm xen lẫn nhưng ngôi nhà hiện đại

Là một trong số ít hộ gia đình còn giữ được ngôi nhà dài truyền thống, ông Ama Gun (Y Prứk) cho hay, khi cha mẹ ông qua đời đã để lại cho mấy chị em ông ngôi nhà dài gần trăm tuổi, với nguyên trạng các vật dụng như chiêng, ché, ghế chân dê, ghế Kpan, trống da voi, nồi đồng…Tuy nhiên, theo phong tục của đồng bào thì phụ nữ là chủ gia đình nên số phận của ngôi nhà dài cùng với các loại cổ vật đều do các chị gái ông sắp xếp.

Mấy năm trước, do cuộc sống khó khăn nên người chị gái đã mang chiếc trống da voi hàng trăm tuổi đi bán. Còn ngôi nhà dài truyền thống trước đó cũng đã được rao bán và có doanh nghiệp từ Đắk Lắk xuống trả giá hơn 1 tỷ đồng (bao gồm tất cả các cổ vật). Tuy nhiên nhờ sự can thiệp kịp thời của địa phương mà căn nhà vẫn còn được giữ đến ngày nay.

Nhà dài truyền thống xây dựng kiên cố, rộng rãi nhưng lại lạ lẫm với người Ê Đê
Nhà dài truyền thống xây dựng kiên cố, rộng rãi nhưng lại lạ lẫm với người Ê Đê

Điều đáng nói đây là ngôi nhà dài đã được đưa vào diện bảo tồn, nhưng do không có chính sách, kế hoạch bảo tồn hiệu quả nên một số chiêng, ché, các vật dụng có giá trị cứ thế mất dần; một số đã được gia đình mang đi chỗ khác cất giữ hoặc bán.

“Trước đây, chiêng cũng như nhiều cổ vật của người Ê đê trong buôn nhiều lắm, nhưng hiện nay đã ít dần, nhiều người đã mang đổi lấy tiền mua gạo”, Ama Gun nói.

Nhà văn hóa cộng đồng buôn Buôr sau khi được phê duyệt bảo tồn đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp rất khang trang, nhưng rất ít khi sử dụng. Ama Gun phân trần: “Cái nhà này to quá, người ta lại xây xa khu dân cư nên người trong buôn chẳng mấy khi qua đây. Chỉ khi có đoàn cán bộ ở trên xuống mới mở mà thôi. Một năm mở độ đôi ba lần. Người dân buôn khi họp vẫn quen ra nhà cộng đồng cũ tuy nhỏ nhưng được làm bằng gỗ và gần khu dân cư hơn”.

Bao năm bỏ không, người dân mang gia súc vào khuôn viên để nuôi nhốt
Bao năm bỏ không, người dân mang gia súc vào khuôn viên để nuôi nhốt

Ngay khi dự án đi vào thực hiện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Nông còn mở lớp đánh cồng chiêng, và dệt thổ cẩm. Thế nhưng, người dân có tiền thì đến học, đến khi hết kinh phí thì dừng hẳn. Còn riêng về thổ cẩm, sau khi học và làm ra sản phẩm thì không có ai mua nên dần dần không có ai đi học nữa.

Chị H’Tô (người dân buôn Buôr) thở dài: “Hiện nay, trong buôn cũng có người dệt thổ cẩm nhưng ít lắm. Sản phẩm dệt ra mà bán không được nên chủ yếu để sử dụng trong gia đình, hiếm khi có người đến đặt mua”.

Sau bảo tồn là... biến mất

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, năm 2007 Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Dự án bảo tồn buôn Buôr với số kinh phí trên 5 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong 2 năm (2007-2008) với các hạng mục như trồng lại rừng thiêng, nạo vét ao hồ, sông suối, bảo tồn nhà cổ, dạy đánh cồng chiêng và các nghề truyền thống. Trong đó đặc biệt là hạng mục xây nhà cộng đồng và bảo tồn nhà dài. Dự án được thực hiện khiến chính quyền và người dân địa phương rất vui mừng.

Tuy nhiên, dù đã được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng dự án bảo tồn buôn Buôr lại không mang lại hiệu quả như mong đợi.


Vị trí bến nước xưa nay đã bị dòng sông nhấn chìm

Vị trí bến nước xưa nay đã bị dòng sông nhấn chìm

Ông Y Ba, Buôn trưởng buôn Buôr cho biết, hiện trong buôn có hơn 10 nhà sàn dài cổ trên 100 tuổi, nhưng dự án chỉ làm cho 3 nhà trong buôn. Thế nhưng dự án chỉ thay một vài cây gỗ trên tường nhà và thay mái bằng tấm tôn và lợp mái tranh phía trên. Mưa gió 2 -3 năm là bay hết, giờ các mái nhà chỉ còn trật lại những tấm tôn rất xa lạ với truyền thống của người Ê Đê.

Đặc biệt, những ngôi nhà dài nằm trong diện tu sửa cũng đã bị xuống cấp. Bến nước của buôn cũng là một trong những hạng mục được đưa vào bảo tồn, đầu tư xây dựng lại, nhưng hiện nay bến đã ngập hoàn toàn trong nước.

Rất ít người dân ở buôn cổ còn mặn mà với thổ cẩm và cồng chiêng
Rất ít người dân ở buôn cổ còn mặn mà với thổ cẩm và cồng chiêng

Phía bên trên bến nước, nơi trước đây thường diễn ra các lễ hội cúng tế thần linh của các thế hệ trước thì cũng đã trở thành bãi rác. Cây gòn hơn trăm tuổi, to bằng vòng tay 4 người ôm ở cạnh bến nước, được xem như là “cây linh hồn” của bon hiện cũng bị trôi theo dòng nước sông Sêrêpốk.

Theo một cán bộ xã Tâm Thắng, buôn Buôr hiện có 200 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ê đê sinh sống và hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo. Hiện tại, buôn Buôr còn khoảng 10 ngôi nhà dài, nhưng hầu hết đã mục nát và xuống cấp, không có người ở, và chỉ còn 2 bộ cồng chiêng (1 bộ của buôn và 1 bộ của xã).

Dương Phong