Bước đầu kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Thừa Thiên - Huế

(Dân trí) - Ngày 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa có kết quả phân tích các mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An và cửa biển Lăng Cô (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) vào thời điểm cá lồng nuôi ở khu vực này chết hàng loạt.

Có tổng số 16 mẫu nước mặt và trầm tích (gồm 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích) ở các khu vực đầm Lập An (gần cửa biển Lăng Cô), huyện Phú Lộc, vùng biển ven bờ xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), xã Điền Hương, xã Điền Hải (Phong Điền) được cơ quan chức năng lấy phân tích.

Tuy nhiên, độ giá trị của các mẫu nước mặt ở Lăng Cô trên cao hơn vì được lấy ở thời điểm cá lồng nước lợ ở đây chết hàng loạt (ngày 15/4). Các mẫu còn lại lấy chậm, khi thời điểm cá đã chết sau mấy ngày hay chỉ mới gần đây.

Qua thống kê mới nhất ngày 26/4 từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, tại Huế, số lượng cá biển chết bất thường dạt vào bờ ít, khoảng 300 - 400 kg. Trong khi đó số lượng cá lồng nuôi trong đầm phá tại xã Lộc Vĩnh và Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) chết nhiều hơn, khoảng 4-5 tấn.

Cá nuôi lồng chết, trôi dạt trên đầm Lập An , thị trấn Lăng Cô ngày 15/4
Cá nuôi lồng chết, trôi dạt trên đầm Lập An , thị trấn Lăng Cô ngày 15/4

Khảo sát, lấy mẫu nước mặt trên đầm Lập An ngày 15/4
Khảo sát, lấy mẫu nước mặt trên đầm Lập An ngày 15/4

Kết quả ở 2 mẫu nước này, về các chỉ tiêu về hóa lý: pH, hàm lượng ô xy hòa tan (DO), nhu cầu ô xy hóa học (COD), hàm lượng cyanua (CN-), tổng hàm lượng dầu mỡ, tổng các chất hoạt động bề mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.

Các thông số: Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như QCVN 08 - MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt

Bảng kết quả đo đạc các mẫu nước ở đầm Lập An cho thấy, kết quả các thông số về Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) đã vượt giới hạn cho phép
Bảng kết quả đo đạc các mẫu nước ở đầm Lập An cho thấy, kết quả các thông số về Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) đã vượt giới hạn cho phép

Trên các cơ sở trên, ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế bước đầu đánh giá và dự báo nguyên nhân: “Từ ngày 15/4 đến ngày 22/4, hiện tượng cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên Huế có lượng cá chết giảm dần từ Bắc xuống Nam. Hiện tượng cá biển và cá nuôi chết bắt đầu tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh, giảm dần đến khu vực Vũng Chuối, Bắc chân đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Như vậy, khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Riêng các mẫu trầm tích và các mẫu nước còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo khi có kết quả phân tích. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan trắc, theo dõi hiện trạng môi trường tại các khu vực xảy ra sự cố cá biển chết cũng như vùng phụ cận và sẽ thông báo kịp thời đến UBND Tỉnh, Tổng cục Môi trường cùng các cơ quan chức năng khi có những dấu hiệu lạ hay các biểu hiện bất thường.

Các diễn biến về cá lồng, cá biển chết tại Huế (theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế)

- Sáng ngày 15/4/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được thông báo từ ngư dân tại khu vực đầm Lập An và cửa biển Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc xảy ra tình trạng cá biển chết/lừ đừ trôi ở khu vực cửa Lăng Cô; cá nuôi trong lồng ở đầm Lập An chết hàng loạt, làm thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý hoang mang đối với nhân dân.

Theo thông tin từ các ngư dân cho biết, hiện tượng cá nuôi chết xảy ra sau khi nước thủy triều lên vào rạng sáng. Ở khu vực cửa biển, cá tự nhiên lừ đừ/ngấp ngoải/chết trước các loài cá nuôi trên đầm phá. Những loại cá nuôi chết có giá trị thương phẩm khá cao như: cá vẫu, cá mú, cá hồng, cá bớp... với giá bán khoảng 200.000 đồng/kg. Trong khu vực này có khoảng 60 hộ dân đang thả nuôi với khoảng 100 lồng. Theo thống kê bước đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có gần 6.000 con cá lồng nuôi và hơn 36.000 con cá giống của ngư dân địa phương nuôi ở gần khu vực cửa biển bị chết.

Cá lồng nuôi ở Lăng Cô bị chết nhiều
Cá lồng nuôi ở Lăng Cô bị chết nhiều

- Diễn biến sự việc tiếp theo vào các ngày từ 17/4 đến 22/4 tại các khu vực các xã Lộc Vĩnh, Vinh Mỹ và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc); các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền); các xã Điền Hương, Điền Môn (huyện Phong Điền) cũng đã xuất hiện tình trạng tương tự đối với cá tự nhiên (cá mú, cá hanh, cá dìa, cá đuối...) chết nổi trên biển, trôi dạt vào bờ hoặc bơi lừ đừ ở khu vực gần cửa biển Tư Hiền cũng như các vùng bờ biển lân cận.

Khảo sát, lấy mẫu khu vực biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền ngày 21/4
Khảo sát, lấy mẫu khu vực biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền ngày 21/4

- Đến ngày 24/4/2016, tại Thừa Thiên Huế hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ hầu như giảm hẳn và không phát sinh thêm các địa phương ven biển có hiện tượng cá biển chết.

Đại Dương