1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

40 tấn cá chết ở miền Trung được xử lý như thế nào?

(Dân trí) - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) trao đổi với PV Dân trí: Theo báo cáo từ các địa phương xảy ra hiện tượng cá chết, toàn bộ khoảng 40 tấn cá chết đã được thu gom và tiêu hủy an toàn, không có chuyện bị tuồn ra thị trường.

Liên quan đến tình trạng cá chết hàng loạt trên biển miền Trung, bên cạnh vấn đề truy tìm nguyên nhân "thảm sát" cá thì một khía cạnh khác cũng đang được nhân dân rất quan tâm là khối lượng cá chết "khổng lồ" đã được chuyển đi đâu, xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ quan chức năng thống kế được tổng số lượng cá chết ở một số tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là khoảng 40 tấn.

Về việc 40 tấn cá chết này đã đi đâu, có bị tuồn ra thị trường tiêu thụ, ông Cẩn cho biết: "Theo báo cáo từ các địa phương thì toàn bộ số lượng cá chết đã được gom lại và mang đi tiêu hủy an toàn".

Tại Quảng Bình, tỉnh này khẳng định đã tiến hành xử lý và kiểm tra việc xử lý cá chết an toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh thường xuyên theo dõi, cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương ven biển, phối hợp chỉ đạo thực hiện thu gom, tiêu hủy, tránh làm ô nhiễm môi trường.


Ông Trần Tiến Dũng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trong chuyến kiểm tra cá biển chết bất thường (Ảnh: Đặng Tài)

Ông Trần Tiến Dũng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trong chuyến kiểm tra cá biển chết bất thường (Ảnh: Đặng Tài)

40 tấn cá chết ở miền Trung được xử lý như thế nào? - 2
Huyện đoàn huyện Quảng Ninh thu gom, xử lý cá chết tránh làm ô nhiễm môi trường (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Huyện đoàn huyện Quảng Ninh thu gom, xử lý cá chết tránh làm ô nhiễm môi trường (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Sáng nay 26/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình - cho biết, hiện tượng cá biển chết bất thường từ ngày 20/4 có xu hướng giảm, tuy nhiên từ ngày 25/4 đến nay, tình trạng cá chết xuất hiện trở lại nhưng số lượng ít hơn. “Thống kê thiệt hại sơ bộ về tình trạng cá chết ở Quảng Bình khoảng nửa tháng nay là khoảng trên 115 tỷ đồng”.

Về vấn đề xử lý cá chết bất thường, ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh - cho biết, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân dân thu gom để tiến hành tiêu hủy cá chết theo quy định.

“Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, đến nay công tác thu gom gần như đã xong và sẽ tiến hành tìm bãi chôn lấp rồi tiêu hủy theo quy định”, ông Nhân cho biết.

Trả lời câu hỏi có hay không việc người dân vớt cá chết để làm thức ăn cho người, gia súc và bán ra thị trường, ông Nhân cho biết: “Đây là câu chuyện mà Bộ ngành đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân, nghiêm cấm người dân sử dụng các loại cá chết làm thức ăn và chế biến các sản phẩm khác. Còn việc người dân có sử dụng làm thức ăn hay không cũng rất khó”.

Trước đó, tại xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chính quyền đã cử người đi nhặt cá dạt bờ, đào hố chôn ở những cồn cát gần bờ biển. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Chúng tôi đã chôn tổng cộng khoảng 5-7 tạ cá, khi chôn thì rải vôi để khử độc. Vị trí chôn sóng biển không thể đánh tới, do đó không lo ngại về tình trạng xói lở”.

Cũng theo ghi nhận của PV, hiện nay tại các bãi biển Kỳ Lợi, Kỳ Hà đã không còn tình trạng cá chết dạt vào bờ.

Tại vùng biển Quảng Trị, tình trạng cá chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 17/4, người dân thừa nhận sau khi phát hiện cá chết dạt vào bờ, có hiện tượng dân thu gom một phần mang về chế biến làm thức ăn cho gia súc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (thứ 2, bên trái) cùng đoàn công tác đi kiểm tra hiện tượng cá chết dọc bờ biển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (thứ 2, bên trái) cùng đoàn công tác đi kiểm tra hiện tượng cá chết dọc bờ biển

Ngày 21/4, đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra tình trạng cá chết, đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các Sở, ngành liên quan tập trung khoanh vùng và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời; tuyên truyền, khuyến cáo bà con ngư dân không được thu mua, chế biến, bán cá chết; hướng dẫn bà con ngư dân tiêu hủy cá chết đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có số lượng cá chết rất lớn; theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh này, số lượng cá chết bà con các địa phương thu gom vào khoảng hơn 30 tấn.

Lượng cá chết dạt vào bờ biển các địa phương được thu gom lại rồi đào hố chôn lấp
Lượng cá chết dạt vào bờ biển các địa phương được thu gom lại rồi đào hố chôn lấp

Sáng 26/4, trao đổi với phóng viên về công tác xử lý cá chết, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết, ngay sau khi xảy ra tình trạng cá chết, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và vệ sinh môi trường, Sở NN&PTNT đã có công văn khuyến cáo bà con ngư dân không thu gom cá chết đưa vào chế biến thực phẩm và làm thực ăn gia súc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Tiếp tục phối hợp với các các Sở, ban ngành liên quan hướng dẫn chỉ đạo các địa phương ven biển tuyên truyền vận động nhân dân chủ động thu gom, xử lý hóa chất, tiêu huỷ nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường vùng biển.

Đến ngày 22/4, tình hình cá chết trên biển trôi dạt vào bờ đã giảm dần.

Người dân huyện Vĩnh Linh chôn lấp cá chết dạt vào bờ
Người dân huyện Vĩnh Linh chôn lấp cá chết dạt vào bờ

Ông Nam khẳng định, ngoài số cá chết đã bị phân hủy trong môi trường nước biển, số cá trôi dạt vào dọc bờ biển đều được người dân tự giác thu gom và chôn lấp an toàn, không có chuyện tuồn cá ra thị trường.

Tại Thừa Thiên Huế, số lượng cá chết ít hơn so với các tỉnh khác. Trao đổi với PV Dân trí ngày 26/4, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, sau khi phát hiện có cá chết bất thường, Sở đã tham mưu cho tỉnh kịp thời hướng dẫn người dân cách phân biệt cá bình thường và cá chết bất thường ở chợ, tránh mua lầm phải cá chết. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng đang về các chợ ven biển để quay hình ảnh cá, làm phóng sự phát lên đài truyền hình cho bà con xem, có ý thức không ăn, không mua bán cá chết.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các ban ngành tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ ra thị trường mà tập trung chôn lấp, xử lý theo quy định.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương xảy ra tình trạng cá chết khẳng định đang nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cuối cùng gây chết cá hàng loạt, có hướng xử lý, khắc phục để bà con miền biển yên tâm; đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại trong thời gian qua.

Nhóm Phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm