Bức tranh Hà Nội tới đây sẽ như thế nào?
(Dân trí) - “Cần có qui hoạch tổng thể thủ đô để người dân hình dung, bức tranh Hà Nội tới đây sẽ như thế nào, đâu là trung tâm chính trị, đâu là trung tâm phát triển kinh tế, người dân được hưởng dịch vụ ra sao”, đại biểu Phạm Thị Loan nêu vấn đề.
Rất nhiều những lo ngại đã được các đại biểu HĐND bày tỏ với lãnh đạo Thành phố Hà Nội tại phiên họp thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới Hà Nội sáng nay (27/03).
Không biến vùng đất mới thành thị trường BĐS
Đại biểu Vũ Đức Tân đặt vấn đề về cơ sở của việc đưa ra con số 10-12 triệu dân của Thủ đô vào năm 2050. Kế đến là việc hình dung thủ đô tương lai sẽ như thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, liệu có tính thực tế hay không.
Ông Tân cũng lo ngại việc phát triển các khu công nghiệp ở các vùng mở rộng chỉ chú ý đến các vấn đề sản xuất, kinh doanh, trong khi lại bỏ qua các vấn đề xã hội sẽ dẫn đến tình trạng người nông dân bỏ đất, bỏ ruộng tập trung vào thành phố.
Về quản lí, ông Tân cho rằng, do năng lực rất tồi nên hiện nay chúng ta không có thành phố xanh sạch đẹp như mong muốn. Với bộ máy, năng lực như hiện tại sẽ rất khó để quản lí được thành phố rất lớn như dự kiến.
Vến đề văn hoá cũng khiến ông Tân hết sức lo lắng, bởi việc mở rộng địa dư hành chính không phải đơn giản là phép cộng đơn giản vùng miền khác nhau. “Thử tưởng tượng xem, chỉ cần qua một đêm thức dậy, những người dân ở các tỉnh quanh Hà Nội sẽ thế nào? Sẽ là vấn đề nông thôn hoá thành thị chứ không phải là thành thị hoá nông thôn”, ông Tân phân tích.
Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, những thuận lợi được Thành phố nói tới chỉ là bề nổi, khó khăn nêu ra cũng chỉ là sơ bộ. Theo bà phải xác định sứ mệnh của Thủ đô bằng chiến lược phát triển, bằng tầm nhìn.
Cần có qui hoạch tổng thể thủ đô để người dân hình dung, bức tranh Hà Nội tới đây sẽ như thế nào, đâu là trung tâm chính trị, đâu là phát triển kinh tế, người dân được hưởng dịch vụ như thế nào?
Theo bà Loan, việc mở rộng địa giới có thể làm giảm áp lực tăng giá bất động sản, nhưng nếu điều hành không hợp lí sẽ thành khai thác bất động sản một chiều, biến các vùng đất mới thành thị trường bất động sản. Nếu như vậy, sẽ khiến tăng dân số cơ học ở các vùng đất này, đặt ra những vấn đề phức tạp trong quản lí xã hội.
“Tôi phấn khởi và đồng tình với việc mở rộng thủ đô vì cũng như ở nhà hẹp ra nhà rộng thì sẽ thoáng mát hơn”, đại biểu Bùi Thị An nối tiếp. Tuy nhiên, bà An lo ngại vấn đề đầu tư, thu hút đầu tư cho một Hà Nội có diện tích gấp 3,6 lần, dân số gấp 1,5 lần hiện tại. Bà An cũng cho rằng, không nên quan niệm to, rộng là mạnh, bởi thực tế có những thủ đô trên thế giới rất nhỏ nhưng lại có những đóng góp rất lớn về kinh tế.
Trung tâm Hà Nội sẽ là Hồ Tây?
Chủ tịch UBND Tp Nguyễn Thế Thảo chia sẻ với những ý kiến lo ngại rằng, Thủ đô như hiện tại còn nhiều thiếu sót trong quản lí, nếu mở rộng ra sẽ rất khó. Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng, Hà Nội cần phải mở rộng về đất đai để có điều kiện đầu tư, phát triển cũng như có cơ cấu hợp lí.
Theo ông Thảo, nếu muốn Hà Nội to ra rất dễ, nhưng vấn đề là cần một Hà Nội hiện đại, xứng tầm. Việc mở rộng thực hiện về phía có điều kiện đất đai cũng như các điều kiện khác thuận lợi là Hà Tây đáp ứng được yêu cầu này. Việc lựa chọn phương án như hiện tại theo ông Thảo đã được căn cứ vào 8 tiêu chí đô thị hiện đại.
Ông Thảo nhấn mạnh, trước đây thành phố lấy Hồ Gươm là trung tâm phát triển, nhưng tới đây trung tâm này là Hồ Tây và sông Hồng là trục chính. Đô thị phía Bắc sẽ gắn với thành Cổ Loa, trong khi phía Tây gắn với Mỹ Đình.
Trên cơ sở như vậy sẽ phát triển các đô thị vệ tinh với bán kính 35-40km. Như thế, các khu như Xuân Mai, Hoà Lạc, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn... sẽ làm nhiệm vụ giãn đô thị ra bên ngoài.
Về vấn đề dân số, theo ông Thảo, ở các nước trên thế giới nếu thủ đô là trung tâm Chính trị - Hành chính, dân số chiếm khoảng 5% cả nước, nếu thêm chức năng trung tâm kinh tế, dân số chiếm khoảng 10-20%. Hà Nội là trung tâm Chính trị - Hành chính - Kinh tế, chưa kể giáo dục, văn hoá thì dân số lên đến 10 triệu khi dân số cả nước là 100 triệu sẽ hợp lí.
Cấn Cường