1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bốn chị em gái và ngôi mộ cỏ

Khi kể về việc bốn chị em mình mồ côi cha mẹ, tôi cứ tưởng cháu Hồng (10 tuổi) sẽ không nhớ gì về những ngày tháng sống cùng cha mẹ, cũng không thể nhớ gì về ngày cha mẹ của cháu mất cách đây 2 năm…

Nhưng không, cháu Hồng vẫn kể rành mạch về cha mẹ của mình, nhớ như in cái chết của cha mẹ và trong đôi mắt thơ dại của cháu, ngấn mọng dòng nước mắt.

 

Mẹ sinh em út vào ngày cha mất

 

Không ai có thể kìm nỗi lòng mình trước hoàn cảnh thương tâm của các cháu. Phải rất cố gắng tôi mới có thể nâng được máy ảnh để ghi lại hình ảnh bốn chị em Hồng ngồi quây quần nhau trên sân cỏ của Làng SOS Quảng Bình. Khoảng xa thăm thẳm về một sự mất mát vô tận đối với cuộc đời các cháu vẫn còn nguyên đó, tươi đau với chúng ta.

 

... Mùa nước lũ năm 2005. Nhà vợ chồng anh Nguyễn Cảnh Kỳ và chị Nguyễn Thị Tam ở thôn Yên Hồng, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, ở cạnh sông Gang - một nhánh của sông Lam. Mùa lũ, nước sông lên to, chảy cuồn cuộn. Trong nhà, anh Kỳ là lao động chính.

 

Vợ anh đang mang thai đứa con thứ tư và sắp đến ngày sinh nở. Ba đứa con gái đều lít nhít ngang đầu nhau. Đứa đầu học lớp 1, hai đứa sau cả ngày quấn lấy chân mẹ. Ngày lũ về 13/11/2005, anh Kỳ dẫn 4 con bò của nhà đi ăn, chẳng may một con bị sẩy chân xuống sông. Anh Kỳ lao xuống cứu bò, nhưng đã bị nước lũ cuốn mất tích. Được tin, cả làng đổ nhào ra sông tìm xác anh.

 

Chị Tam mang cả bụng chửa cố bước ra bờ sông gọi chồng, gọi và khóc, dòng sông đục ngầu, cuồn cuộn, nuốt chửng tiếng kêu khóc thảm thiết của chị. Ngoài đó, suốt cả ngày, người làng dùng đủ mọi cách để tìm xác chồng chị, nhưng bất lực. Cháu Hồng kể: “Tối nớ, mẹ cháu vừa khóc vừa kêu đau bụng. Mẹ kêu cháu vô buồng. Cháu sợ, cầm tay bà dắt theo. Cháu nghe tiếng con nít khóc. Bà cháu nói, mẹ cháu sinh em bé rồi. Cháu chạy kêu các dì, các dượng đến nhà”. Người làng bỏ việc tìm xác anh Kỳ, chạy về lo việc sinh nở cho chị Tam.

 

Bà ơi, mẹ mô rồi?

 

Một tháng 10 ngày sau khi sinh, chị Tam gắng gượng ra đồng. Vừa phải chăn dắt mấy con bò, vừa lặn lội kiếm con cua, con tép nấu cho các con ăn, nhà không có đàn ông mới hơn một tháng mà như thuyền không lái, tất cả để chao đổ, bơ vơ. Cắt được ít cỏ cho bò, dắt lưng được mấy con cua đồng, chị Tam không về ngay mà bước ra bờ sông. Bao nhiêu ngày nay rồi, chị vẫn mơ một giấc mơ cháy bỏng, tìm được xác chồng.

 

Chị Tam lò dò đi dọc sông tìm kiếm. Sức yếu, gió mạnh, lại đói, chị ngã quỵ xuống sông, chúi người vào dòng nước vẫn đang chảy xiết.

 

Cháu Hồng thút thít kể, tiếng như hụt hơi: “Chiều nớ cháu đi học về, kêu mẹ không nghe tiếng. Trong nhà chỉ có bà đang ôm em mới sinh. Ngoài đồng xa cháu thấy nhiều người làng đang vừa chạy vừa kêu tên mẹ. Cháu hỏi bà: “Mẹ mô rồi?”. Bà kéo cháu lại, nỏ nói chi cả”.

 

Hai ngày sau người làng tìm thấy xác chị Tam. Mộ chị Tam giữa đồng.

 

Cháu Hồng nói: “Bây chừ mộ mẹ cháu cỏ mọc lên xanh lắm chú nờ, xanh như cỏ ở làng ni...”. Từ hôm đó, trong mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà tranh cũ nát, bà nội 84 tuổi ở cùng 4 chị em gái mồ côi.

 

Chuyến đi vào ngày 27 Tết

 

42 tuổi, chưa vợ, đẹp trai và hiền hậu, Nguyễn Minh Hiếu trúng tuyển trong cuộc thi chọn người làm Giám đốc Làng SOS Quảng Bình. Hiếu ngồi cạnh cháu Hồng, kể với tôi: “Ngày 27 Tết năm 2005, tôi và chị Thịnh - mẹ của làng - lên xe ra Nghệ An. Trong đời mình có nhiều chuyến đi, nhưng đây sẽ là chuyến đi tôi không bao giờ quên. Chúng tôi về nhà vợ chồng anh Kỳ, chị Tam. Bà con kéo đến đông lắm.

 

Khi biết làng SOS Quảng Bình quyết định nhận bốn chị em cháu Hồng vào nuôi nấng, bà con xúm cả lại, có người khóc vì cảm động. Các cháu ôm cứng với nhau không chịu rời bà. Trên xe, dọc đường đi, không khí Tết rất đầm ấm. Lũ trẻ khóc.

 

Tội nghiệp nhất là cháu Thương, khi đó mới 2 tháng tuổi, ôm cứng lấy mẹ Thịnh. Thấy các em khóc, cháu Hồng dỗ: “Nín đi. Có ai mần chi bay mà khóc tợn rứa. Các chú đưa chị em mình đi nuôi, được ăn no, được ăn cá, được ăn cơm trắng. Cha mẹ chết rồi, ở nhà với bà lấy chi ăn?”. Tôi nghe, không cầm được nước mắt.

 

Cháu Hồng hỏi mẹ Thịnh: “Đi như ri có ăn tết không?”. Chị Thịnh an ủi: “Con yên tâm. Mẹ sẽ cho các con ăn tết đàng hoàng, có áo mới, có xôi thịt, có bánh chưng, rồi đi chơi phố”. Cháu Hồng lí nhí, lâu lắm rồi chị em cháu chưa ăn thịt...”.

 

Chị Thịnh kể: “Em đã ngoài 30, nhà ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà em cuộc sống ổn định. Em đã là công nhân. Nhưng khi nghe Làng SOS Quảng Bình thông báo tuyển mẹ, em đăng ký liền. Em muốn gắn bó với việc này. Phận người đàn bà xấu tốt chi cũng phải có con cái, mình tình nguyện không lấy chồng, nhưng mình vẫn có các con ở làng, rứa là vui rồi. Cha mẹ em không ưng em vô làng. Các anh chị em trong nhà cũng không ưng. Nhưng em ưng. Bốn chị em của cháu Hồng là những đứa con đầu tiên của em. Mấy mẹ con sống như ruột thịt.

 

Cháu Thương bé thế nhưng ngoan, không khóc, đói là đòi ăn thôi. Đêm mô em cũng hát ru cho cháu. Cháu Hồng thấy em hát, cũng hát theo, rồi mấy đứa khác cũng hát. Đêm mô trong nhà cũng như diễn văn nghệ. Cháu Hồng vô đây 2 năm, học lên lớp 3, lại là học sinh giỏi, em tự hào lắm. Cháu Hồng nói rằng, từ nay cháu có 2 mẹ, một là em - một nữa là mẹ ruột đang nằm dưới mộ. Nghe như rứa, mần răng không thương các cháu được hả anh”.

 

Chiều chia tay, chúng tôi tha thẩn cùng 4 chị em cháu Hồng trong sân Làng SOS Quảng Bình. Cháu Hồng hỏi: “Khi mô cháu về nhà thăm mẹ cháu?”. Tôi chữa lại: “Thăm mộ mẹ chứ”. Hồng lý nhí: “Dạ”. Một lúc Hồng lại hỏi: “Khi mô cha cháu có mộ như mẹ?”. Tôi im lặng. Bốn chị em Hồng chia tay chúng tôi trước sân nhà.

 

Theo Nguyễn Quang Vinh

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm