1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ bồi thường án oan 23 tỷ đồng: Cán bộ làm sai phải nộp bao nhiêu?

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), tỉnh Thái Bình sẽ phải thành lập một hội đồng để xem xét trách nhiệm của những cán bộ liên quan đến việc gây oan sai cho ông Lương Ngọc Phi và khiến ngân sách Nhà nước vừa phải bồi thường gần 23 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Ảnh: T.K)
Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Ảnh: T.K)

Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Tư pháp, sáng 11/7, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - cho rằng tỉnh Thái Bình sẽ phải thành lập hội đồng đánh giá toàn diện vụ việc của ông Lương Ngọc Phi, từ khi tiến hành khởi tố, kê biên, bán đấu giá tài sản và ra bản án gây oan sai.

“Phải làm rõ trách nhiệm của những người thực thi công vụ tới đâu, mức độ lỗi của từng công chức tham gia vụ việc, gây thiệt hại như thế nào để từ đó, trên cơ sở số tiền Nhà nước đã bồi thường sẽ xác định mức hoàn trả của từng cán bộ”- ông Bốn nói.

- Chỉ 2 vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) mà Nhà nước đã phải bồi thường trên 30 tỷ đồng; tới đây tiếp tục bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) thì số tiền bồi thường oan sai còn tăng thêm rất nhiều. Tuy nhiên thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy việc buộc cán bộ liên quan phải hoàn trả một phần số tiền mà Nhà nước đã bồi thường oan sai gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trong lĩnh vực hình sự chưa có trường hợp nào. Vậy việc truy trách nhiệm, buộc các cán bộ gây oan sai cho ông Lương Ngọc Phi phải bồi hoàn một số tiền có gặp nhiều khó khăn?

- Tôi cho rằng có thể chỗ này chỗ khác chưa xem xét nghiêm túc, chứ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng đã quy định. Chắc chắn phải có xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với từng cán bộ công chức có hành vi gây thiệt hại mà sau đó Nhà nước phải bồi thường.

Nếu những cán bộ đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị kết luận cố ý làm trái thì họ phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường; nếu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ có thể buộc họ hoàn trả ở một mức độ nào đó thôi; còn nếu vô ý thì đã có quy định cả rồi.

Tất nhiên phải thấy rằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định chưa rõ về trách nhiệm hoàn trả của những người thực thi công vụ. Chính vì vậy trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang được lấy ý kiến rộng rãi, chúng tôi cũng cố gắng tính toán để đưa vào những quy định như thế nào cho phù hợp, để làm sao vừa đảm bảo nâng cao trách nhiệm của công chức, công vụ nhưng cũng phải khả thi.

Bộ Tài chính vừa phải rót gần 23 tỷ đồng để bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Ảnh: Dân Việt)
Bộ Tài chính vừa phải "rót" gần 23 tỷ đồng để bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Ảnh: Dân Việt)

- Điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang được lấy ý kiến là ban hành nhiều quy định liên quan đến kỷ luật, buộc cán bộ thực thi công vụ sai phải hoàn trả số tiền mà Nhà nước bồi thường oan sai. Việc này được tính toán thế nào để tương xứng với mức độ gây thiệt hại?

- Dự thảo luật đang được nghiên cứu theo hướng tăng trách nhiệm hoàn trả, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam nhưng cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kinh nghiệm trên thế giới cũng vậy thôi, không phải công chức gây thiệt hại là phải hoàn trả toàn bộ, mà chỉ một phần thôi. Nên lần sửa đổi luật lần này cũng vậy, sẽ quy định rất rõ về những trường hợp phải hoàn trả. Việc tăng mức độ hoàn trả vừa nâng cao trách nhiệm của cán bộ nhưng cũng không ảnh hưởng tới hoạt động của cán bộ khi thực thi công vụ.

Bên cạnh đó thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết bồi thường sẽ có nhiều cải cách. Đơn cử như luật hiện hành quy định giải quyết trong thời gian trên 100 ngày thì dự thảo lần này chúng tôi đề xuất giảm xuống trên dưới 70 ngày thôi.

Một điểm đặc biệt nữa là cơ quan giải quyết bồi thường có thể chủ động giải quyết bồi thường, nếu tính được ngay thiệt hại thì không phải xác minh nữa.

- Một vấn đề gây bức xúc thời gian qua chính là quy định liên quan đến việc buộc người oan sai phải xuất trình nhiều loại hóa đơn, chứng từ để làm cơ sở chứng minh thiệt hại trong quá trình giải quyết bồi thường hoặc nhiều thiệt hại lại không có trong luật, không quy định cụ thể nên gây thiệt thòi cho họ. Tới đây việc đó sẽ được khắc phục như thế nào, thưa ông?

- Các căn cứ yêu cầu giải quyết bồi thường đã được rà soát rất kỹ trước khi đưa vào trong dự thảo luật này. Các thiệt hại được Nhà nước bồi thường cũng rất cụ thể, minh bạch theo hướng những cái gì thiệt hại trong thực tế sẽ đều được bồi thường và quy định rõ vào trong luật. Bên cạnh đó, một số thiệt hại cũng được quy định thêm; phần quy định về xác minh thiệt hại sẽ tạo điều kiện cho cơ quan giải quyết bồi thường rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Ông Lương Ngọc Phi (trú tại 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vốn là Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình, bị khởi tố về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và trốn thuế vào tháng 4/1998. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi ông Phi bị bắt, cơ quan công an đã đem hóa giá toàn bộ tài sản của ông và công ty. Đến ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh này.

Năm 2001, VKSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án bị oan sai và trả tự do cho ông Phi. Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú. Và sau đó là quãng thời gian đằng đẵng đầy nước mắt đi đòi bồi thường oan sai suốt 15 năm trời của ông Phi.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định chi 23 tỷ đồng để TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại cho ông Phi.

Thống kê hồi đầu năm 2016 của Bộ Tư pháp cho thấy, 6 năm qua, Nhà nước đã phải giải quyết bồi thường 204 vụ việc với trên 111 tỷ đồng nhưng mới chỉ xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ trong 22 vụ việc, với tổng số tiền gần... 677 triệu đồng (!).

Thế Kha (thực hiện)