1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vụ giàn giáo làm 13 người chết, 28 người bị thương:

Bồi thường, hỗ trợ gia đình nạn nhân 400 triệu đồng/trường hợp tử vong

(Dân trí) - Sau hành động cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam, Tập đoàn Formosa, nhà thầu Cty Sam Sung C&T VN và đại diện Công ty CP xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã họp, thống nhất phương án hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân.

Theo thông tin Dân trí có được, vào chiều ngày 28/3, tại Formosa đã diễn ra cuộc họp giữa nhà Cty Sam Sung (nhà thầu chính) và đại diện Cty Nibelc (Ninh Bình) bàn về việc hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo đúc giếng chìm vào tối 25/3.

Đại diện cho những nạn nhân trong vụ tai nạn nhà thầu phụ Cty Nibelc cho biết, quá trình làm việc công nhân của Nibelc đã tuân thủ các điều khoản mà Nibelc đã ký kết hợp đồng với Công ty Sam Sung, trên cơ sở đó Cty Sam Sung phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ tối đa, kịp thời đối với gia đình các nạn nhân tử vong cũng như công nhân gặp nạn đang điều trị vết thương.

Nạn nhân tử vong được bồi thường, hỗ trợ 400 triệu đồng
Một công công nhân tử vong được lực lượng cứu hộ phát hiện, đưa ra khỏi hiện trường sau vụ sập giàn giáo vào đêm 25/3 

Sau quá trình đàm phán, hai bên đã đi đến thống nhất mức hỗ trợ cho nạn nhân tử vong, mỗi người sẽ được nhận số tiền 400 triệu đồng. Số tiền này bao gồm, 300 triệu đồng đền bù cho 30 tháng tiền lương (10 triệu đồng/tháng), 50 triệu đồng/nạn nhân hỗ trợ tiền ma chay và 50 triệu/người do bảo hiểm Pjico chi trả mà Cty Nibelc đã mua cho người lao động trước đó.

Đối với nạn nhân bị thương, cả Cty Sam Sung và Nibelc thống nhất trước mắt sẽ sát cánh cùng gia đình chăm lo, điều trị cho các nạn nhân, sau đó căn cứ trên mức độ giám định tỷ lệ thương tật, chi phí điều trị... Cty Sam Sung và Nibelc sẽ chi trả cho từng trường hợp theo quy định của pháp luật.

C

Các nạn nhân bị thương sẽ được nhà thầu cho tạm ứng tiền điều trị, số tiền bồi thường tai nạn lao động sẽ được tính căn cứ trên mức độ thương tật. 

Ngoài ra, tại cuộc họp phía Nibelc còn đề xuất Công ty Sam Sung hỗ trợ công nhân do những ảnh hưởng mà vụ sập giàn giáo gây ra. Theo đó, do thời gian khắc phục sự cố cũng như thời gian tạm dừng để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân có thể kéo dài 1-2 tháng nên việc làm của hàng trăm công nhân của Cty Nibelc sẽ bị gián đoạn. Việc đình trệ này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm công nhân cũng như hoạt động của Cty Nibelc.

Trên cơ sở đó, phía Cty Nibelc đã yêu cầu phía Cty Sam Sung bồi thường việc mất việc làm tạm thời của số công nhân này theo Luật lao động Việt Nam. Đề nghị của nhà thầu phụ Nibelc đã được phía Cty Sam Sung chấp thuận, tuy nhiên con số cụ thể Cty Sam Sung chưa quyết định tại cuộc họp này.

Tức tốc chấn chỉnh an toàn lao động tại Formosa

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập giàn giáo, cũng như chấn chỉnh ngay an toàn lao động tại công trường Formosa trong chuyến thị sát hiện trường vụ sập vào chiều tối 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự vừa ký công văn hỏa tốc yêu cầu chủ đầu tư Tập đoàn Formosa, các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát công tác đảm bảo an toàn lao động trên công trường xây dựng Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương. 

“Sự cố giàn giáo đã làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản; những mất mát xảy ra quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Đây là bài học lớn cho chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác an toàn lao động” - công văn nêu rõ. 

C
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết buộc chủ đầu tư phải đình chỉ ngay đối với các nhà thầu, các công trình không đảm bảo an toàn lao động

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty Formosa khẩn trương thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra, rà soát, làm việc với từng nhà thầu, tại từng hạng mục công trình trên toàn dự án về công tác đảm bảo an toàn lao động, bảo hộ, vệ sinh an toàn lao động; đình chỉ ngày việc thi công các công trình nếu chưa đảm bảo quy định về an toàn; đối với các trường hợp không chấp hành, yêu cầu chấm dứt hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Chỉ tịch Hà Tĩnh cũng yêu cầu Công ty Formosa triển khai thực hiện, báo cáo về UBND tỉnh và BQL Khu kinh tế tỉnh trước ngày 10/4. Đồng thời công ty phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nêu trên để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra. Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục để xảy ra tai nạn lao động chết người tại Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương. 

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh còn yêu cầu BQL Khu kinh tế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về hồ sơ, thủ tục xây dựng, công tác tổ chức thi công, công tác quản lý an toàn lao động, bảo hộ, vệ sinh an toàn lao động trên toàn bộ các công trình thuộc dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đình chỉ ngay các hạng mục thi công nếu vi phạm các quy định về xây dựng và quy định về an toàn vệ sinh lao động.

 

Văn Dũng