Bồi thường, hỗ trợ bình quân 100.000 đồng/m2 đất tại dự án Ecopark
(Dân trí) - UBND tỉnh Hưng Yên cho biết chủ đầu tư dự án Ecopark đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất bình quân 100.000 đồng/m2; hỗ trợ và thưởng tiến độ cho các hộ tự nguyện 35.000 đồng/m2; hỗ trợ ổn định đời sống với số tiền 1.000.000 đồng/sào/năm...
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang vừa có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang (dự án Ecopark).
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi 499,07 ha đất tại 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao và thị trấn Văn Giang giao cho chủ đầu tư để thực hiện Dự án Ecopark với tổng hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án là 4.887 hộ. Tháng 6/2009, Công ty Việt Hưng đã nhận bàn giao trên thực địa 50 ha đất thuộc xã Xuân Quan; tháng 4/2012, công ty này nhận bàn giao toàn bộ 121,93ha đất thuộc xã Xuân Quan trên thực địa. Gần nhất, vào tháng 8/2014 Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Văn Giang đã ký biên bản bàn giao toàn bộ diện tích đất thu hồi của 2 xã Phụng Công và Cửu Cao cho Công ty Việt Hưng.
Dự án Ecopark nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất bình quân 100.000 đồng/m2; hỗ trợ và thưởng tiến độ cho các hộ tự nguyện 35.000 đồng/m2; hỗ trợ ổn định đời sống với số tiền 1.000.000 đồng/sào/năm (1 sào Bắc Bộ = 360 m2), thời gian từ 3 - 10 năm theo diện tích bị thu hồi; hỗ trợ gạo, hỗ trợ 3 xã lập quỹ 30 tỷ đồng, gửi tiết kiệm lấy lãi chia cho người hết tuổi lao động để có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, người dân được cấp đất dịch vụ liền kề để kinh doanh bảo đảm đời sống; hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng lao động vào làm tại dự án.
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, ngay khi có đơn thư khiếu nại, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành xem xét giải quyết, trực tiếp đối thoại với công dân theo đúng quy định. Nhưng một số đối tượng đã lôi kéo, kích động một bộ phận người dân thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao chống đối, không bàn giao đất ngoài thực địa, tụ tập đông người để cản trở việc bàn giao đất và thi công; kéo lên các cơ quan Trung ương để khiếu kiện. Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra dự án, báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo. Sau đó, Thanh tra Chính phủ cũng đưa vụ việc khiếu nại, tố cáo này vào diện phải rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP và cũng đã có kết luận. Tuy nhiên, đến nay một số hộ dân vẫn tiếp tục tụ tập đông người để cản trở việc bàn giao đất và thi công; kéo lên các cơ quan trung ương khiếu kiện.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, những khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án đã được các cơ quan trung ương xem xét giải quyết; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức đối thoại và có văn bản trả lời khiếu nại. Gần đây các hộ dân tiếp tục khiếu nại với một nội dung mới nên Bộ Tài nguyên -Môi trường đã tiếp thu khiếu nại và trao đổi với Sở Tài nguyên - Môi trường Hưng Yên. Qua đó xác định có nội dung khiếu nại không đúng, có nội dung có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Chính vì thế Bộ đề nghị những khiếu nại mới phát sinh phải tập trung xem xét, giải quyết ngay, tránh khiếu nại kéo dài, phức tạp.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng một số kiến nghị, phản ánh của công dân như việc triển khai đất dịch vụ chậm, vị trí không hợp lý, tình hình an ninh trật tự không đảm báo… đều thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên. Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức buổi làm việc cùng các các cơ quan trung ương để thống nhất ý kiến và có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để công khai kết quả giải quyết khiếu nại của công dân liên quan tới dự án này.
Thế Kha