1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Y tế không "độc quyền" nhập khẩu vắc xin Covid-19

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định khuyến khích các cơ quan, đơn vị có khả năng tiếp cận các nguồn vắc xin nhập khẩu về Việt Nam nhưng cũng cảnh báo tình trạng "lừa đảo vắc xin" hiện nay.

Tình hình, tiến độ nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 là nội dung được đặt ra trong cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Y tế hôm nay, 31/5.

Báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật thông tin về các cuộc đàm phán để có đủ nguồn vắc xin đảm bảo tiêm phòng cho 70% dân số, thực hiện mục tiêu có miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Bộ trưởng khái quát, dù hiện nay tình trạng khan hiếm vắc xin trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận Việt Nam đã đạt được, mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi.

Bộ Y tế không độc quyền nhập khẩu vắc xin Covid-19 - 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế ngày 31/5 về tình hình nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19 (ảnh: VGP).

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vắc xin nhưng không có nghĩa là Bộ "độc quyền" nhập khẩu mà Bộ luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vắc xin đều có thể nhập khẩu.

"Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng một lần nữa cảnh báo tình trạng "lừa đảo vắc xin" khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vắc xin để chào bán vắc xin nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vắc xin đều khẳng định là không đúng sự thật" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vắc xin mới được nhập khẩu vắc xin. Hiện Việt Nam có 27 đơn vị có chức năng này. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vắc xin hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với một trong số 27 đơn vị này.

Một lưu ý được đưa ra là các vắc xin phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký và các lô vắc xin phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vắc xin là Astra Zeneca, Sputnik V và đang xem xét hồ sơ đối với 2 loại vắc xin khác. Việc cấp phép phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà cung cấp vắc xin có nhu cầu, có gửi hồ sơ đề nghị cấp phép hay không và chất lượng hồ sơ.

Về thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong tình trạng đại dịch hiện nay, Việt Nam cũng chỉ thực hiện kiểm tra trên hồ sơ và nếu hồ sơ đầy đủ, thủ tục chỉ mất tối đa 48 tiếng đồng hồ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Cần tìm mọi giải pháp để có vắc xin sớm nhất. Mọi vướng mắc phải được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ phải được hướng dẫn ngay".

Phó Thủ tướng yêu cầu công khai chủ trương, tất cả các vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Đối với những vắc xin Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xác nhận, Bộ sẽ xử lý ngay khi có hồ sơ và nếu hợp lệ thì tối đa 5 ngày làm việc là cấp phép được. Ông cũng quán triệt, tất cả các lô vắc xin, dù đơn vị nào nhập khẩu, chỉ cần có hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng thì đều được Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức tiêm.

Một vấn đề được thảo luận nhiều tại cuộc họp là việc nhiều doanh nghiệp, hiệp hội tham gia tài trợ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 và mong muốn các nhân viên của doanh nghiệp, hiệp hội mình được ưu tiên tiêm trước. Về lâu dài, cũng như nhiều loại vắc xin khác, sẽ có vắc xin miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế và vắc xin dịch vụ theo nhu cầu và khả năng chi trả của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, với vắc xin chống Covid-19, trong điều kiện khan hiếm hiện nay, các tổ chức quốc tế luôn yêu cầu các nước tuân thủ nguyên tắc tiếp cận công bằng nên rất khó khăn khi xử lý những đề nghị "hợp tình, hợp lý" của các doanh nghiệp. 

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam luôn tuân thủ nguyên tắc công bằng tiếp cận vắc xin chống Covid-19 của Liên Hợp Quốc và hoàn toàn có thể giải quyết được đề nghị, mong muốn chính đáng của các doanh nghiệp, các Hiệp hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin phòng Covid-19 theo thủ tục rút gọn, đảm bảo tất cả những doanh nghiệp nào có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất.

"Nhất thiết không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc xin ngay mà lại không mua về được", Phó Thủ tướng kết luận.