1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Văn hóa từng năm lần bảy lượt “can gián” ga C9 tại Hồ Gươm

(Dân trí) - Trong suốt 7 năm, từ 2010 tới 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nhiều lần có văn bản nêu ý kiến về việc xác định vị trí xây dựng ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội và việc bố trí các cửa lên xuống tại khu vực Hồ Gươm. Việc nhà ga xâm phạm khu vực bảo vệ di tích, ảnh hưởng cảnh quan, quá gần Tháp Rùa… đều từng được đề cập…

Cụ thể, ngày 24/5/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch có công văn số 1718 gửi Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội về vấn đề xác định vị trí ga C9 – dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Công văn nêu rõ, tháng 7/2008, Bộ Văn hóa đã có công văn đề nghị xây dựng nhà ga C9 tại vị trí ngầm dưới đường phía trước nhà hát múa rối nước Thăng Long, các lối lên và lối xuống của ga này nằm tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, do phương án trên ảnh hưởng lớn đến di tích khu phố cổ Hà Nội, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của nhà ga và việc vận hành tàu điện nên Bộ Văn hóa cơ bản thống nhất chủ trương xây dựng ga C9 tại vị trí nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Công ty Điện lực Hà Nội (phương án B).

Dù vậy, để bảo vệ cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm, Bộ này lưu ý, các lối lên và lối xuống của ga C9 cần bố trí sang khu vực đất thuộc Công ty Điện lực Hà Nội.

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cần tiếp tục báo cáo UBND thành phố lấy ý kiến tham vấn của các Bộ, ngành, tổ chức xã hội liên quan như Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học… trước khi quyết định xây dựng ga C9 tại vị trí mới.

Tháng 3/2018, mô hình mặt bằng ga ngầm C9 đã được trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân
Tháng 3/2018, mô hình mặt bằng ga ngầm C9 đã được trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân

Đến ngày 20/7/2015, Bộ Văn hóa tiếp tục có công văn trả lời việc đề nghị góp ý các phương án bố trí cụm công trình phụ trợ ga ngầm C9 từ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Tại văn bản này, lãnh đạo Bộ Văn hóa nêu quan điểm cơ bản thống nhất với phương án 2 (bố trí cụm công trình phụ trợ ga C9 tại khu đất của Tổng Công ty điện lực Hà Nội). Tuy nhiên, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại quyết định năm 2013) nên Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nghiên cứu, lựa chọn vị trí lối lên và lối xuống của ga C9 nằm ngoài phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt này.

Bộ Văn hóa tiếp tục đề nghị Ban Quản lý dự án báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép tổ chức xin ý kiến người dân và các nhà khoa học, sau đó trình Bộ Văn hóa xem xét, thỏa thuận.

Gần 1 năm sau, ngày 10/3/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đánh công văn gửi UBND TP Hà Nội cảnh báo phương án bố trí ga C9 xâm phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Cụ thể, Bộ Văn hóa cho biết, tháng 1/2016, Bộ này nhận được công văn của UBND TP.Hà Nội đề nghị thống nhất phương án bố trí 2 cửa ra của ga C9 vào phía hồ Hoàn Kiếm.

Sau khi tiến hành khảo sát hiện trạng khu vực, với sự tham dự và có ý kiến của một số nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia gồm GS Phan Huy Lê, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc và đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Sở Văn hóa & thể thao Hà Nội, Bộ Văn hóa nêu quan điểm thống nhất với việc bố trí nhà ga chính (ga ngầm) và cụm công trình phụ trợ theo phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9.

Đối với các lối lên xuống, vị trí các lối lên xuống theo phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, theo lãnh đạo Bộ Văn hóa tại thời điểm đó là nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tịch quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Bộ Văn hóa nhấn mạnh, đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của người dân. Vì vậy, việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học.

Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ Văn hóa đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng thêm phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chưa đựng giá trị của di tích.

Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cũng đề nghị Hà Nội tổ chức buổi làm việc xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch đô thị… nhằm thống nhất và tạo sự đồng thuận rộng rãi trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Tiếp tục, giữa tháng 2/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch có ý kiến với phương án cụ thể bố trí cửa lên xuống số 3 và số 4 của ga ngầm C9 (công văn số 414). Theo đó, Bộ này thống nhất với việc bố trí cử lên xuống số 3 theo phương án 1, cửa lên xuống số 4 theo phương án 2 thể hiện trong bản vẽ tổng mặt bằng ga C9.

Đối với thân ga C9, Bộ Văn hóa đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tịnh tiến thân ga về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm.

Cũng trong năm 2017, ngày 29/5, Bộ Văn hóa gửi tới UBND Hà Nội công văn số 2297 sau khi thành phố đề nghị Bộ này có ý kiến về việc triển khai phê duyệt quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9.

Bộ Văn hóa nhấn mạnh, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 nói chung và ga ngầm C9 nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu về giao thông đô thị, phục vụ hữu ích cho việc phát triển thủ đô văn minh, hiện đại. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa đã có một số văn bản ủng hộ chủ trương của UBND hà Nội về việc quy hoạch ga ngầm C9.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa nhận thấy, quá trình thi công xây dựng, vận hành ga ngầm và tuyến đường sắt đô thị số 2 có khả năng ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm. Lý do cơ quan quản lý đưa ra là, mặc dù vị trí thân ga được quy hoạch cách Tháp Bút 36m nhưng tuyến tuynen ngầm (hầm đôi) phía Bắc ga chạy qua sát với vị trí Tháp Bút ở phía trên (khoảng 5-6m) nên tại công văn số 414 ngày 13/2/2017), Bộ Văn hóa đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa hơn phía Đông của hồ Hoàn Kiếm).

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa lưu ý, thân ga ngầm C9 theo phương án quy hoạch hiện tại nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng.

Với những lý do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị UBND Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.

P.Thảo