1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Y tế: Không thể điều chỉnh nhanh viện phí

(Dân trí) - Nhận được nhiều ý kiến ủng hộ về việc tăng giá viện phí nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết không thể điều chỉnh nhanh vì Chính phủ nhắc nhở, ngành đã bị “đổi tội” làm CPI tăng vì điều chỉnh giá viện phí.

Sáng 25/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có phiên họp tại UB Các vấn đề của Quốc hội để thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật BHYT.

Cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, UB Các vấn đề xã hội cảnh báo sự an toàn quỹ BHYT khi dự thảo Luật BHYT mở rộng mức hưởng BHYT cho 1 số đối tượng (miễn, giảm cùng chi trả, hạn chế mức tối đa phải cùng chi trả...) sẽ tăng chi quỹ BHYT, trong khi chưa có các biện pháp tăng thu. Hiện nay, quỹ BHYT có kết dư (chủ yếu do hơn 10 năm chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế), nhưng dự báo 2013 và 2014 sẽ không còn kết dư nhiều, vì giá dịch vụ y tế đang được điều chỉnh.

Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, y đức có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả BHYT và tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Luật BHYT. Đã xuất hiện những vấn đề bất hợp lý giữa khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân BHYT với bệnh nhân KCB theo yêu cầu, ảnh hưởng đến chính sách BHYT. Vấn đề này phải được khắc phục thì việc sửa đổi Luật BHYT mới có tính khả thi cao.

Về phạm vi, mức hưởng bảo hiểm, đối với nhóm bệnh nhân hiện áp dụng quy định cùng chi trả 20%, dự thảo luật bổ sung quy định số tiền tối đa mà người bệnh cùng chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm theo quy định của Chính phủ khi người bệnh có thời gian tham gia BH trong 3 năm liên tục trở lên.

Dù vẫn có ý kiến “can gián” vì lo cho khả năng của quỹ BHYT nhưng thường trực UB Các vấn đề xã hội vẫn ủng hộ hướng đề xuất này vì cho rằng đây là cách thức giúp bảo vệ tốt hơn số bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, gặp khó khăn trong điều trị bệnh, giúp họ không rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo.
 
Bộ trưởng Y tế: “Chúng tôi bị “đổ tội” làm tăng CPI vì tăng viện phí”
Bộ trưởng Y tế: "Vừa qua, người dân chưa mặn mà với BHYT, không phải vì phân biệt đối xử hay y đức và vì giá dịch vụ y tế quá thấp, lạc hậu".

Về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai xác nhận, đây là vấn đề bức xúc của dư luận xã hội hiện nay. Bà Mai chỉ rõ, quy định hiện hành cho phép chi trả cho bệnh nhân vượt tuyến (cả nội, ngoại trú) theo mức 70%, 50%, 30%. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt (2010) lên 9,5 triệu (2011) và 11,6 triệu lượt (2012).

Đồng thời, các bệnh viện tuyến trung ương do thực hiện tự chủ và chủ yếu thanh toán theo cơ chế phí dịch vụ nên nhiều bệnh viện nhận điều trị cả loại bệnh thông thường để tăng nguồn thu cho bệnh viện, gây ra tình trạng quá tải (nhiều nơi là quá tải ảo).

Quy định về trái tuyến, vượt tuyến cũng làm phát sinh cơ chế xin - cho để được chuyển viện ở các bệnh viện tuyến dưới. Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý đến quyền của người có thẻ BHYT, khi có bệnh muốn được hưởng dịch vụ y tế tin cậy hơn, dù phải chi trả nhiều hơn.

Vì vậy, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội tán thành quy định bảo hiểm sẽ chi trả với các ca điều trị nội trú, với người khám ngoại trú chỉ chi trả một số bệnh do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo luận cũng đề nghị bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng mức quy định, người thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ 6 trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.

Kết dư lớn, quỹ BHYT vẫn nguy cơ mất an toàn

Ủng hộ hướng mở rộng danh mục bệnh, mức chi trả bảo hiểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhấn mạnh, BHYT phải thực sự có ý nghĩa khi người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo. Bà Lan phân tích, khi đó, chi phí khám chữa bệnh với mỗi cá nhân lúc đó rất lớn, cần phải huy động cả xã hội hỗ trợ để không còn cảnh người bệnh trọng chấp nhận… chờ chết, còn bảo hiểm chỉ đảm bảo cho những bệnh nhẹ, bệnh mùa, bệnh lặt vặt trong khi thực tế có mắc những bệnh đó thì người đi khám chữa bệnh cũng không mấy ai dùng đến BHYT.

Chỉ rõ bất cập hiện nay là việc giới hạn mức chi trả đến 40 tháng lương cơ bản, đại biểu TPHCM dẫn chứng, nhiều thủ thuật như đặt stent động mạch vành, có bệnh nhân phải đặt 3 stent ở cả 3 nhánh động mạch, hiện tại các bệnh viện lại phải tách ra làm 3 lần chỉ định can thiệp trong mấy tháng khác nhau thì bệnh nhân mới được chi trả tương đối. Như vậy, bà Lan cho là sẽ tăng thêm nguy cơ, phức tạp cho bệnh nhân.

Đại biểu cũng nhận định, giá viện phí quá thấp là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng dịch vụ BHYT thấp hiện nay.

Nữ đại biểu Hà Nội Nguyễn Phạm Ý Nhi (Giám đốc Bệnh viện Xanh-pôn) đồng tình với nhận định này. Bà Nhi chỉ đích đanh giá viện phí thấp, chậm điều chỉnh cũng là nguyên nhân khiến người dân cảm thấy không mua BHYT cũng được trong khi ở nước ngoài, chi phí y tế rất cao nên không một người nào dám “trốn” mua bảo hiểm. Điều chỉnh giá viện phí, bà Lan khuyến nghị cần tránh tình trạng như vừa qua, trì hoãn quá lâu, sau 18 năm mới thay đổi để rồi dù vẫn chưa đạt được bằng mức giá thực tế mà người dân lại kêu ca vì tăng một lần quá nhiều.

Trả lời cho câu hỏi số kết dư quỹ BHYT hàng năm lớn mà quyền lợi người tham gia bảo hiểm vẫn theo hướng “thắt chặt”, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Nguyễn Minh Thảo cho biết, năm 2012 quỹ chi trả 84.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong khi số dư quỹ hiện tại là 15.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 số chi hàng năm chứng tỏ nguy cơ mất an toàn cho quỹ rất lớn.

Dù đến năm 2015 quỹ vẫn đảm bảo nhưng ông Thảo cảnh báo, tần suất khám chữa bệnh của người mua bảo hiểm rất cao, cơ cấu bệnh tật ngày càng phức tạp, thuốc men, kỹ thuật y tế ngày càng hiện đại, đòi hỏi chi phí lớn nên quỹ có nguy cơ mất cân đối trong tương lai không xa.

Xác nhận vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ, với mức đóng quỹ và tiền lương hiện nay thì đến 2013 quỹ bắt đầu âm khoảng 800 tỷ đồng. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở hay nâng tỷ lệ đóng sẽ không tác động, thay đổi nhiều khả năng cân đối kỹ. Việc cần thiết là phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế để rút khoản phải chi hỗ trợ các bệnh viện.

“Được lời”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh thêm, hoạt động khám chữa bệnh BHYT vừa qua chưa thực sự thu hút vì chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu nhưng không phải do y đức hay việc phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm hay bệnh nhân dịch vụ mà cơ bản vì giá dịch vụ y tế 18 năm qua quá thấp, không phù hợp.

Nữ Bộ trưởng cũng than, cần thay đổi nhanh nhưng vừa qua mới chỉ điều chỉnh 3/7 yếu tố (tiền máu, tiền thuốc, tiền vật tư) thì đã bị Chính phủ “phanh”, lưu ý làm từ từ. Vì Hà Nội mới chỉ áp dụng giá từ tháng 8 vừa qua, TPHCM vẫn chưa áp dụng mà ngành đã bị “đổ tội” làm CPI tăng vì điều chỉnh giá viện phí.

P.Thảo