Bộ trưởng Y tế: Hệ thống y tế sẽ quá tải nếu biến chủng Omicron lan rộng
(Dân trí) - Tốc độ lây lan của chủng Omicron gấp 7 lần so với chủng Delta đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine, gấp 3 lần với người tiêm đủ liều. Nếu để Omicron lan rộng, hệ thống y tế Việt Nam sẽ quá tải.
Đó là một trong những nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, diễn ra chiều nay (5/1).
Theo ông Long, nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn. Theo đó, số ca mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
"Mặc dù có những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mức độ tăng nặng của người nhiễm biến chủng Omicron có thể nhẹ hơn đối với biến chủng Delta. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan rất nhanh, Omicron tăng gấp 7 lần so với biến chủng Delta với những người tiêm chưa đủ liều vaccine, gấp 3 lần so với những người đã tiêm đủ liều vaccine. Như vậy, nếu chúng ta để Omicron lây lan rộng đối với đất nước chúng ta sẽ dẫn đến tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế và vì thế con số tử vong sẽ tiếp tục tăng lên", ông Long lưu ý.
Về kế hoạch, ông Long cho biết, trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ đầu tiên, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngành y tế phải thực hiện thành công chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023), góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
"Cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch", ông Long nói.
Tiếp đến, theo ông Long, ngành y tế sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Ngành sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
"Chúng tôi sẽ tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn", ông Long nói.
Đồng thời, ngành y tế sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính;...