1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Tư pháp: "Không phải dự luật Thủ đô... non"

(Dân trí) - “Với trách nhiệm của ban soạn thảo, trách nhiệm với thủ đô, đương nhiên tôi không vui vì đã đổ nhiều nỗ lực mà kết quả không như mong đợi”, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói sau khi QH bác dự luật Thủ đô. Ông cũng khẳng định, dự luật này không "non".

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô chia sẻ nhiều tâm trạng sau khi QH “bác” dự luật trong ngày bế mạc kỳ họp chiều qua, 29/3.
Bộ trưởng Tư pháp: "Không phải dự luật Thủ đô... non" - 1
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: "Buồn vì nỗ lực nhiều mà kết quả không như mong muốn, vui vì thấy QH dân chủ" (ảnh: Việt Hưng).

Bộ trưởng có bất ngờ trước kết quả biểu quyết của QH về dự án Luật Thủ đô?

Tôi chỉ hơi bất ngờ về nội dung chính sách, cơ chế tài chính, quản lý đất đai (Điều 23 dự thảo luật - PV) không được thông qua với chỉ hơn 39% tán thành. Tôi xin nói là trong quá trình tiếp thu chỉnh lý, ý kiến của UB Thường vụ QH và Chính phủ không khác nhau.

Thảo luận tại hội trường vừa qua, như các bạn theo dõi, cũng có ý kiến nào đề cập đến vấn đề này đâu. Đại biểu chỉ thể hiện quan điểm quy định rõ Hà Nội được hưởng cơ chế tài chính ưu đãi cao hơn cụ thể bao nhiêu để hàng năm không phải điều chỉnh, rồi lo ngại phát sinh chạy chọt, xin – cho.

UB Thường vụ QH sau đó cũng đã giải trình là không thể quy định mức ưu đãi là con số cứng vì còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, thu ngân sách của thành phố, của cả nước hàng năm. Và tôi thấy giải trình của UB Thường vụ là đúng.

Ngoài vấn đề cơ chế đặc thù về tài chính thì nội dung quản lý dân cư theo hướng “siết” điều kiện đăng ký hộ khẩu để giảm áp lực nhập cư vào nội thành Hà Nội cũng nhận số phiếu tán thành không cao. Ông có cho rằng đại biểu vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của biện pháp hành chính này?

Cái này thì nội dung giải trình tôi nghĩ cũng rõ rồi, chỉ có điều sự chia sẻ đến đâu thôi.

QH không thông qua Luật thủ đô, ở vị trí Trưởng ban soạn thảo, khó nói Bộ trưởng không “tâm trạng”. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ lúc này?

Thực ra tôi thấy có 2 mặt. Với trách nhiệm của ban soạn thảo, trách nhiệm với thủ đô, đặc biệt gắn với dịp kỷ niệm 1000 năm, đương nhiên tôi không vui vì đã đổ nhiều nỗ lực mà kết quả không như mong đợi.

Nhưng với một tâm trạng khác, tôi thấy việc này có nghĩa là QH rất dân chủ, đại biểu thể hiện được chính kiến bằng lá phiếu của mình. Chỉ đáng tiếc là vấn đề nhận số phiếu thấp lại không phải nội dung được thảo luận nhiều, ít ý kiến phản đối. Một bước ngoặt như vậy,  tôi cảm thấy có gì đó không rõ.

Bộ trưởng nói cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực khi làm dự án luật này nhưng qua nhiều lần thảo luận, tại các kỳ họp QH cũng như tại các phiên họp tại UB Thường vụ, vẫn nhiều ý kiến cho rằng dự án luật xây dựng “non” nên kết quả hôm nay là phù hợp. Ông đánh giá gì nhận định này?

Tôi cho là hoãn đến kỳ này rồi thì còn “non” gì nữa.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng Luật thủ đô chưa tốt, không thể thông qua vì tư duy mòn dùng quá nhiều biện pháp hành chính để điều chỉnh, “cấm” những việc “tắc”, không quản lý được?  

Không quá nhiều đâu bạn ơi.

Việc dự luật không được thông qua, ông có nghĩ rằng như vậy ngân sách nhà nước phải tiêu tốn một khoản vô ích, không đem lại kết quả?

Cũng không hoàn toàn như vậy vì một đạo luật không được thông qua là chuyện bình thường khi hoạt động của QH ngày một dân chủ hơn. Hơn nữa, ngân sách cho việc xây dựng pháp luật đâu phải là gì ghê gớm.

Tổng cổng Luật thủ đô chỉ có 400 triệu đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tất nhiên công sức anh em, chi phí hành chính… cộng lại thì nhiều nhưng tôi nghĩ là càng gia công vào đó để có một luật tốt QH thông qua sau này thì lại là rất có… công.

Vậy qua việc QH không tán thành lần này, có bài học gì rút ra đối với bộ máy giúp việc soạn thảo luật, thưa Bộ trưởng?

Thực ra, xét lại cũng không sai nhưng tôi cho là anh em và các ngành của HN đã rất cố gắng. Mình phải hết sức trân trọng cố gắng đó. Còn một đạo luật không được thông qua thì cũng không có nghĩa mọi việc đã mất đi, lãng phí, cũng không có nghĩa là trách cứ anh em.

Trong việc này có nhiều câu chuyện mà tôi xin nói là có cả trách nhiệm của truyền thông các bạn nữa. Tôi lấy ví dụ, những vấn đề nhận được đồng tình của dự thảo luật thì các bạn gần như không đưa tin mà thiên nhiều về những ý kiến không đồng tình.

Mỗi đại biểu bấm nút là phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình chứ làm sao đổ lỗi cho truyền thông được, thưa Bộ trưởng?

Truyền thông có ảnh hưởng, tác động tới quyết định của đại biểu chứ.

 Nỗi khó của cơ quan soạn thảo thì ai cũng chia sẻ nhưng sau việc Luật thủ đô đã từng một lần bị rút khỏi chương trình nghị sự, lần này lại không được thông qua. Bộ trưởng  thấy có hướng sửa đổi nào để luật có thể thuyết phục được QH trong khóa tới?

Như tôi đã nói, việc này còn phụ thuộc vào Hà Nội rồi vào quan điểm của tập thể Chính phủ nữa. Tới đây, với trách nhiệm của ban soạn thảo, chúng tôi phải báo cáo với Chính phủ, Hà Nội cũng phải báo cáo với HĐND thành phố xem việc này nên tiếp tục như thế nào. Đương nhiên Chính phủ thảo luận rồi, cho ý kiến rồi nhưng cũng phải xem UB Thường vụ có ý kiến thế nào nữa. Nhưng tinh thần tôi hiểu là QH không thông qua luật thủ đô lần này không có nghĩa là vĩnh viễn không thông qua.

P.Thảo (thực hiện)