Quốc hội bác dự luật Thủ đô
(Dân trí) - Chỉ được 35,9% tổng số đại biểu tán thành, dự thảo Luật Thủ đô đã không được Quốc hội thông qua trong buổi làm việc cuối cùng của Quốc hội khóa XII, chiều 29/3. Trước đó, tại các buổi thảo luận, đại biểu đã “bác” nhiều nội dung của dự thảo luật này.
Nội dung “siết” quy định nhập cư này đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều trong các cuộc thảo luận trước đó. Cơ quan giải trình, tiếp thu đến nay đã cho lược bỏ điều kiện “việc làm hợp pháp” trong các điều kiện để được đăng ký hộ khẩu. Nhiều ý kiến lại lo ngại việc quy định điều kiện đăng ký hộ khẩu chặt chẽ hơn sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa công dân Thủ đô với người nơi khác đến. Hơn nữa, quy định như vậy không thể giải quyết thấu đáo vấn đề sức ép dân số nội thành.
UB Thường vụ nhận định, áp dụng biện pháp hành chính này để giảm tải số lượng dân đăng ký thường trú ở nội thành là cần thiết. Quy định chặt chẽ hơn trong đăng ký hộ khẩu tuy không phải biện pháp duy nhất nhưng vẫn cần và khả thi để trước mắt có thể giảm bớt áp lực hiện nay đang rất bức xúc trong khu vực nội đô.
Qua 2 "mức sào" đầu tiên, dù tỷ lệ tán thành không cao nhưng đến nội dung biểu quyết thứ 3 về chính sách, cơ chế tài chính, quản lý đất đai (Điều 23), thế cục đã đảo ngược. Bảng thống kê tăng vọt số lượng đại biểu không tán thành: 195/452 đại biểu tham gia biểu quyết, tương đương 39,55%. Có 216 đại biểu bỏ phiếu thuận, chỉ chiếm 43,81%, không đủ điều kiện quá bán.
Nội dung này, UB Thường vụ cũng bảo lưu quan điểm giữ quy định đặc thù cho phép Hà Nội dành toàn bộ phần ngân sách thu vượt kế hoạch để đầu tư xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm là Thủ đô. Tuy nhiên, mức ưu đãi như Thủ đô được hưởng mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác là bao nhiêu, nguyên tắc ưu tiên phân bổ vốn ODA như thế nào không được quy định cụ thể.
Biểu quyết về toàn bộ dự thảo luật cho tới Điều 23 này, tỷ lệ đại biểu tán thành tiếp tục giảm thêm, chỉ còn 35,9% trong khi số “phiếu chống” vọt lên 44,83%. Có 54/452 đại biểu thể hiện sự đắn đo khi không biểu quyết, chiếm 10,95%.
Trước khi biểu quyết dự thảo luật Thủ đô, trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý cuối cùng của UB Thường vụ QH về dự án luật này do Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày cũng đã rút nhiều nội dung: Với ý kiến đề nghị chỉ nên tặng thưởng danh hiệu công dân danh dự Thủ đô cho người nước ngoài có công lao đóng góp trong xây dựng phát triển Thủ đô, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, cho lược bỏ quy định tặng thưởng danh hiệu vinh dự này cho những người là công dân Việt Nam. Lý lẽ được đưa ra là công dân Việt Nam khi có công lao đóng góp trong xây dựng, phát triển Thủ đô sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng. Trước ý kiến băn khoăn về quy định UBND Hà Nội định kỳ 2 năm báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch thủ đô vì e ngại phá vỡ tính ổn định của quy hoạch. UB thường vụ đã tiếp thu, xin bỏ nội dung này. Nội dung quy định khi lập quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án đường giao thông cần thu hồi đất 2 bên đường tối thiểu 50m mỗi bên để xây dựng đồng bộ cả đường và các công trình, nhà ở 2 bên đường nhận được cho là xác đáng, một việc “buộc phải làm”. Để đạt mục tiêu phát triển Thủ đô thành trung tâm lớn về giáo dục của cả nước, ông Thuận cho rằng cần có cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có việc cho phép áp dụng chương trình nâng cao so với mặt bằng chung cả nước. Tuy vậy, quy định chương trình nâng cao chỉ áp dụng đốiv ới một số cơ sở giáo dục có điều kiện chứ không phải thực hiện đại trà trên toàn thành phố, đảm bảo không gây quá tải cho đa số học sinh Thủ đô. |
P. Thảo