Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra "cái bẫy" trong xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, "cái bẫy" trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua chính là cái tên "xây dựng nông thôn mới" của chương trình.

Sáng 27/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng không hơn xã chưa đạt chuẩn

Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra cái bẫy trong xây dựng nông thôn mới - 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại phiên họp. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay tương đối hoàn chỉnh trên một số mặt như: đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, đời sống nông thôn được nâng lên.

"Với kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, chương trình được đông đảo người dân ủng hộ với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân là chủ thể", ông Hòa đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ một số bất cập như: Ngoài những tiêu chuẩn chung, một số địa phương còn quy định riêng các tiêu chí nông thôn mới theo đặc thù của địa phương mình. Do điều kiện ngân sách vẫn còn chênh lệch giữa các địa phương, nên chuẩn nông thôn mới có khác nhau. Có xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng lại chưa hơn xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chưa thấy rõ nét là xã nông thôn mới, còn chạy theo thành tích để đạt chỉ tiêu theo phân bổ.

"Thậm chí có xã muốn đạt chỉ tiêu về hộ nghèo đã "nhặt" 2 hộ nghèo thành một hộ. Vẫn còn tình trạng cho nợ tiêu chí để được công nhận nông thôn mới, nhất là tiêu chí về môi trường, nước sạch, giao thông, trường học; có xã đạt chuẩn nay lại mất một số tiêu chí cần thiết, hạ tầng xã hội bị xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa", ông Hòa nêu thực trạng.

Từ những bất cập nêu trên, ông Hòa đề nghị rất cần thiết tiếp tục thực hiện Chương trình này ở giai đoạn 2021-2025; cần đầu tư hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn để hoàn thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất,...

Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra cái bẫy trong xây dựng nông thôn mới - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thảo luận tại phiên họp. 

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới có khởi điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Theo bà Lan, thực hiện chương trình này cần thường xuyên cập nhật điều chỉnh, tổng kết đánh giá để khắc phục những điểm còn tồn tại; kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua và đưa chương trình mục tiêu quốc gia và nông thôn mới lên tầm cao mới, vị thế mới...

Về vấn đề huy động nguồn nhân lực và vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là một chương trình rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, một khu vực đông dân cư, nhưng lại dễ bị tổn thương; rất cần sự quan tâm thích đáng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay và liên tục bị tổn hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh cây trồng vật nuôi gây ra. 

Cán bộ xã mới quyết định thành công nông thôn mới

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được tổng kết bằng ba từ: "To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử". Có những bất cập cần phải bàn đến.

Thứ nhất, đó là sự trùng lắp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia mà các ĐBQH đang rất quan tâm. Ông Lê Minh Hoan cho biết, ông đã có buổi làm việc với các Bộ trưởng phụ trách hai Chương trình còn lại (gồm Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và đã báo cáo trước Quốc hội.

Cụ thể, phạm vi thực hiện Chương trình sẽ không để trống các xã xây dựng nông thôn mới. "Chương trình nông thôn mới phải phủ kín tất cả 63 tỉnh thành và không để trống bất kỳ địa phương nào. Nếu có chồng lấn thì đó là sự tích hợp các giá trị để tạo nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội những địa bàn khó khăn", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra cái bẫy trong xây dựng nông thôn mới - 3

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Còn về cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới, đa số các ĐBQH đều mong muốn cơ cấu của Trung ương nhiều, còn cơ cấu của địa phương thì giảm đi, nhất là trong bối cảnh các địa phương phải tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh Covid-19, rất khó khăn. Về việc này, ông Hoan cho biết, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, tháo gỡ tùy theo điều kiện của nguồn thu ngân sách.

Về vấn đề phát triển bền vững nông thôn mới, ông Hoan cho rằng, "cái bẫy" trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua chính là cái tên của chương trình "xây dựng nông thôn mới". 

"Các địa phương hay chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở cứ thấy chữ "xây dựng" là nghĩ thiên về hạ tầng, là cầu, đường, trụ sở,... bởi vì xây dựng liên quan tới công trình. Tôi nghĩ rằng, chúng ta thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua tạo sinh kế cho họ", ông Hoan nói.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân nông thôn, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân nông thôn tiếp cận được những tiện ích của đô thị, chúng ta cần quan tâm thích đáng đến những giá trị mới như: xây dựng bản sắc văn hóa nông thôn làm nên hồn cốt của nông thôn mới; bảo tồn không gian sống, môi trường nông thôn; nâng cao năng lực cộng đồng thông qua tiếp cận tri thức, giao lưu hợp tác nông thôn; bình đẳng giới ở nông thôn; giúp người dân nông thôn có khả năng chủ động kết nối với các doanh nghiệp, chuyên gia trên các sản phẩm nông nghiệp của mình… đồng thời gắn cơ cấu nền nông nghiệp với chương trình nông thôn mới.

Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra cái bẫy trong xây dựng nông thôn mới - 4

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có một chương trình tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã để tiếp cận được những giá trị mới này của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bởi chính đội ngũ lãnh đạo xã mới quyết định sự thành công của Chương trình.

"Cán bộ huyện, cán bộ tỉnh chỉ xuống rồi về, chỉ có cán bộ xã là người gần gũi, thường xuyên tiếp cận với bà con nông dân để thấu hiểu, chia sẻ, tìm ra những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường để có thể giúp thay đổi những tập quán của bà con", ông Hoan nói thêm.