1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên “phân giải” việc tăng lương tối thiểu

(Dân trí) - Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, mỗi lần tăng lương thường phải qua thương lượng nhiều lần. Quan điểm tăng lương tối thiểu 10% hay 16% đang gây tranh cãi, nếu không thể thoả thuận, Hội đồng tiền lương sẽ chọn mức báo cáo Chính phủ quyết.

 

nguyen-van-nen-1441103269213
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, mỗi lần tăng lương thường phải tổ chức thương lượng nhiều lần mới đồng thuận. 

Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhận được câu hỏi về chuyện, việc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động  là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận.

Nêu quan điểm về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên dẫn Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia”.

Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, ngày 3/7/2013, Thủ tướng đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên: (1) Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (2) Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; (3) Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

“Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu nguyên tắc.

Bộ trưởng Nên thông tin, hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

P.Thảo

 

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên “phân giải” việc tăng lương tối thiểu - 2