Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Não người Việt tập trung ở mạng xã hội nước ngoài rất nguy hiểm!
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu có sự ủng hộ của người dân, đến năm 2020 mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 90 triệu người dùng. Theo ông Hùng, tập trung phát triển mạng xã hội của Việt Nam là vì an ninh quốc gia.
Chiều 8/11, trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Facebook và Google chưa lưu dữ liệu tại Việt Nam. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ có nghị định hướng dẫn về việc này.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ trình Thủ tướng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo yêu cầu của Quốc hội và coi đây như một đạo luật đạo đức về ứng xử của không gian mạng.
“Chúng tôi nghĩ rằng cái xấu chỉ có thể hạn chế chứ cũng khó nói giải quyết triệt để vì ngay khi pháp luật vừa ban hành thì cuộc sống đã thay đổi rồi. Nếu cả xã hội chung tay thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ”, ông Hùng nói.
Chiều ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề được đại biểu quan tâm. Về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề toàn cầu, toàn thế giới. Tất cả các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và không có một diễn đàn quốc tế nào không đề cập.
“Chúng tôi cũng thấy không có một quốc gia nào đủ lực để có thể đối phó được với vấn đề về an ninh mạng, đều phải có liên minh liên kết với nhau để xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an nhận thấy đang đứng trước rất nhiều thách thức. Có người nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng. Đây là vấn đề rất phức tạp. Vừa qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Luật để giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.
Về vấn đề tội phạm mạng mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Công an cho biết, có một số khó khăn bởi đây là loại tội phạm ẩn danh; hoạt động trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội.
“Ngoài những mặt đã đấu tranh xử lý, chúng tôi đang rất quan tâm đến một số lĩnh vực khác như thương mại điện tử, nguồn gốc xuất xứ hàng thật - hàng giả, buôn lậu, trốn thuế… đều có thể diễn ra trên không gian mạng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
(Ảnh: Việt Hưng)
Vấn đề trung tâm dữ liệu quốc gia được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, những vấn đề liên quan đến khó khăn nguồn vốn hiện nay đã được giải quyết một bước. Mọi việc đang được tiến hành tốt, có thể đáp ứng được các yêu cầu của việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bộ trưởng Tô Lâm nói, chúng ta phải quan tâm đến việc bảo vệ bí mật quốc gia vì các loại dữ liệu đều là tài nguyên quốc gia, đều là chủ quyền quốc gia.
Trả lời cẩu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn là những kết quả cơ bản nhất thì chúng ta chưa làm được.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: Việt Hưng)
Xác định tầm quan trọng của xây dựng Chính phủ điện tử, Trung ương đã ban hành nghị quyết về việc ứng dụng CNTT vào nhiệm vụ này. Từ đó, Chính phủ đã xây dựng chương trình đến 2025 để xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là ban hành các nghị quyết như về bảo mật thông tin cá nhân, văn thư lưu trữ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuẩn bị xây dựng luật Chính phủ điện tử.
Về hạ tầng dữ liệu, Chính phủ đang xây dựng hệ điều hành Chính phủ 2.0 để đảm bảo quản lý, khai thác thông suốt, liên thông. Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương tháng 3 vừa qua đến nay hoạt động rất hiệu quả.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm nay đã xong được 85%, cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan cũng đã triển khai tốt. Còn 2 nội dung là cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu về đất đai cần tập trung làm nốt.
Vấn đề khó là các cơ sở dữ liệu khác hiện vẫn do các các địa phương nắm giữ là chủ yếu, tính kết nối yếu.
Bộ trưởng TT-TT nói về việc phát triển mạng xã hội Việt Nam.
Sáng 8/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nhận định người Việt Nam hiện nay tham gia mạng xã hội có nền tảng ở nước ngoài cao hơn rất nhiều so với mạng xã hội trong nước. Trong khi đó, công tác quản lý đối với mạng xã hội nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.
“Vấn đề đặt ra ở đây tức là cần xây dựng hệ thống mạng xã hội trong nước đủ mạnh để có thể cạnh tranh và tiến tới thay thế dần mạng xã hội nước ngoài”, đại biểu nói và cho biết, đây cũng là vấn đề đại biểu rất tâm đắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp
Đại biểu Hoa cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời theo dự báo thì đến lúc nào mạng xã hội trong nước của chúng ta đủ mạnh để có thể thay thế được mạng xã hội nước ngoài?
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) cũng chung mối quan tâm trên. Theo bà Châu, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp để xây dựng thương hiệu mạng xã hội Việt Nam để vừa quản lý nguồn tin vừa phát triển kinh tế.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, khi ông nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, việc đầu tiên ông làm là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam và đặt mục tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài.
Sau một năm tập trung làm việc, ông Hùng cho biết mạng xã hội Việt Nam đã tăng trưởng 30%, đưa số người dùng từ 50 triệu lên 65 triệu người. “Nếu tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì tới năm 2020 sẽ có 90 triệu người dùng”, ông Hùng nói.
Tư lệnh ngành Thông tin - Truyền thông nhấn mạnh, cần phải tập trung để con số người dùng mạng xã hội Việt Nam tương đương với số người dùng mạng xã hội nước ngoài ở nước ta hiện nay.
Theo ông Hùng, hiện rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều thông qua mạng xã hội. “Nếu tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội nước ngoài, nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và chỗ này không nằm ở Việt Nam thì rất nguy hiểm. Bởi đây là an ninh quốc gia”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, chúng ta phải phân tán dữ liệu đó để tạo ra sự an toàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, có không gian riêng, khách hàng riêng. Ngoài ra, đất nước đã mở cửa, chúng ta phải mời doanh nghiệp vào làm ăn, nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cần có chế tài mạnh để xử lý người tung tin giả
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu tình trạng hiên nay có nhiều trang mạng thường được gọi là “báo chí nhân dân”, có nội dung “xấu độc” nhưng lại có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) ví thông tin xấu độc như loại bệnh dịch lây lan rất nhanh. Ông Tuấn cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có bộ lọc phát hiện, cách ly để người đọc không tiếp nhận thông tin xấu độc như vậy, để nó không còn được lan tỏa.
Đại biểu Lê Công Nhường - đoàn Bình Định
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyên mang tính toàn cầu, cả thế giới đang phải đối diện, không chỉ riêng nước ta.
Để ngăn chặn nguy cơ này, theo ông Hùng, đầu tiên là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, nhưng các quốc gia trên thế giới có quy định pháp luật riêng để xử lý tin sai, tin giả.
Ông Hùng cho hay, gần đây nhất, Singapore đã có quy định về xử lý tin giả với chế tài rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. “Người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm thì cũng phải đi tù”, Bộ trưởng Hùng nói và cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông để sớm có quy định về xử lý tin giả.
Giải pháp thứ 2 được ông Hùng đề cập đến là thường xuyên làm việc với những công ty nền tảng như Facebook, Google để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam; tìm ra danh tính tài khoản trên mạng xã hội; có công cụ tự động xoá bỏ tin xấu, độc.
Song song với đó, là giáo dục nâng cao nhận thức sống; phân biệt được đúng - sai trên không gian mạng.
Quang Phong