Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đừng nghĩ “đeo mặt nạ” thì không ai tìm ra mình!
(Dân trí) - “Mọi người vẫn tin rằng ai nói gì trên mạng cũng được, không ai tìm được ra tôi.... Nếu như ngày mai tất cả chúng ta đều đeo mặt nạ thì không hiểu xã hội có được như ngày hôm qua không. Trên không gian mạng cũng vậy, đeo mặt nạ hết! Đeo mặt nạ cũng được nhưng khi cần vẫn sẽ biết được đó là ai”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho hay, hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một "cơ quan truyền thông" mà nhiều người gọi là báo chí nhân dân. Trong đó có nhiều mạng xã hội xấu độc nhưng vẫn có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội. Đại biểu Nhường đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp để khắc phục bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu chứ không chỉ riêng nước ta. Theo ông Hùng cả thế giới đang phải đối diện với câu chuyện tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội.
Vấn đề đầu tiên, ông Hùng cho biết, đó là hành lang pháp lý trong việc xử lý tin giả, xấu độc. Theo đó tinh thần chung là phải xử lý nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả.
Ông Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tin giả, tin xấu hiện nay chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội có nền tảng ở nước ngoài, còn mạng xã hội nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã phối hợp với đơn vị liên quan thường xuyên làm việc với đơn vị vận hành mạng xã hội để tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội. Tránh tình trạng một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định được danh tính, thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin.
Song song với đó là giáo dục nâng cao nhận thức sống; phân biệt được đúng – sai trên không gian mạng. “Nếu chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi tin xấu đó và làm cho người đưa tin xấu được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) cho biết, hiện nay thông tin mạng khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư cá nhân gây bất lợi thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân. Đại biểu Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục vấn này như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hùng nhớ lại, cách đây một tháng ông có đi làm kính, đến cửa hàng nhân viên đề nghị ông khai đầy đủ thông tin cá nhân. “Chúng ta đã dễ dãi trong câu chuyện đưa thông tin cá nhân”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cần có quy định pháp luật rất rõ thông tin cá nhân nào được sử dụng và sử dụng vào việc gì, cái gì cần phải xin phép khách hàng. Ông Hùng nhấn mạnh, chúng ta phải có quy định cụ thể về việc sử dụng thông tin cá nhân. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định này.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị làm rõ tình trạng báo hoá tạp chí điện tử.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) đề nghị làm rõ tình trạng báo hoá tạp chí điện tử. Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng này làm gia tăng một số lượng lớn phóng viên, cộng tác viên, gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương, cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hùng đưa ra quy định để khắc phục.
Làm rõ câu hỏi của đại biểu Thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây là hoạt động sai pháp luật bởi báo chí hiện nay hoạt động theo tôn chỉ, mục đích. Báo chí có cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.
Ông Hùng cho biết, nếu là tạp chí chuyên ngành thì chỉ tập trung đưa tin hoạt động chuyên ngành của mình.
“Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những việc này, cũng điều tra, cũng phóng sự thông tin. Như vậy, họ đã đi vượt quá tôn chỉ, mục đích cũng như quy định về tạp chí”, ông Hùng nói và cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc, đưa ra giải pháp cho tình trạng này.
"Không đọc thì làm sao biết là tin xấu, độc?" (Xử lý video: Đỗ Ngọc Diệp - Phạm Tiến)
Bộ trưởng Hùng: Hãy nhấn dislike để thể hiện thái độ (Xử lý video: Đỗ Ngọc Diệp - Phạm Tiến)
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) ví thông tin xấu, độc như loại bệnh dịch lây lan rất nhanh. Với trách nhiệm, vai trò của bộ chuyên ngành, ông Tuấn cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có bộ lọc phát hiện, cách ly để người đọc không tiếp nhận thông tin xấu độc như vậy, để nó không còn được lan tỏa.
“Bởi thực tế cho thấy nhiều bạn đọc lại muốn nghe thông tin xấu độc. Chẳng hạn như Khá "Bảnh" là một giang hồ thôi mà được hàng triệu người theo dõi”, ông Tuấn nói và cho biết, thực tế nhiều trạng mạng còn giả mạo các trang của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, của Đảng, Nhà nước đưa thông tin “lề trái” lồng ghép rất khéo léo. Điều đó khiến nhân dân, cử tri rất khó phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện có hai bộ lọc thông tin xấu, độc.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện có hai bộ lọc thông tin xấu, độc. Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội đã định nghĩa được thông tin xấu, độc và hoàn toàn dùng máy móc để nhận dạng.
Về phía cơ quan Nhà nước có nhiều biện pháp để ngăn chặn, phát hiện thông tin xấu, độc, từ đó yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ.
Theo Bộ trưởng Hùng, xử lý vấn đề này là câu chuyện chung tay giữa các bộ ngành, tỉnh thành vì hiện đã có công cụ, quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) về các thế lực chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Hùng cho biết, “đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, có thể đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp”.
Trong 2 tháng vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 web mạo danh. Có trang là web thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn. “Trong đó có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này”, ông Hùng cho hay.
Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng, các trang web đã mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không tốt, nên buộc phải gỡ bỏ. Theo dõi các trang này, bản thân đại biểu Giang cũng nhiều lần phát hiện trang giả mạo và tuyệt đối không xem. Tuy nhiên, đó cơ bản là phản ứng của cá nhân đại biểu. Đại biểu Giang cho rằng, vấn đề quản lý mạng xã hội rất khó, Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Trang web mạo danh thực tế đọc rất ổn, nhưng rõ ràng một ai đó nuôi trang này, cũng không rõ mục tiêu là gì. Nhưng nhỡ đâu lúc đất nước gặp nguy hiểm, trang đứng tên một lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà tuyên bố Việt Nam đầu hàng thì sao?”, Bộ trưởng Hùng nói và cho biết, không phải chờ đến khi đọc, phát hiện thông tin sai thì mới hạ trang web mạo danh.
Cụ thể, Bộ trưởng Hùng cho biết, vừa rồi Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo rà soát các trang web như vậy có ai, cơ quan, lãnh đạo nào đứng tên hay không. Khi xác định nếu là mạo danh thì kiên quyết hạ.
Chất vấn Bộ trưởng Hùng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh tình trạng phát tán tài liệu, hình ảnh phản cảm trên mạng xã hội để nói xấu cán bộ. Có những bài viết không đúng sự thật, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân. “Đây là vấn đề không mới, nhưng nó diễn ra lâu rồi chưa khắp phục được”, đại biểu nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp khắc phục.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Hùng cho biết, cái gốc của vấn đề này vẫn là người đưa tin thiếu trách nhiệm với xã hội. Ông Hùng cho biết, Luật An ninh mạng sắp tới yêu cầu rất nghiêm chuyện này, mỗi mạng xã hội phải cung cấp danh tính tài khoản. Khi đó những người đưa tin giả cũng phải chùn tay, rất thận trọng, vì biết rằng từ nay trở đi mình nói gì thì khi cần cơ quan chức năng vẫn sẽ biết mình là ai.
“Còn bây giờ, mọi người vẫn tin rằng ai nói gì trên mạng cũng được, không ai tìm được ra tôi. Hôm qua tôi có nói chuyện với thầy Quyết (đại biểu Thích Thanh Quyết), nếu như ngày mai tất cả chúng ta đều đeo mặt nạ thì không hiểu xã hội có được như ngày hôm qua không. Trên không gian mạng cũng vậy, đeo mặt nạ hết! Đeo mặt nạ cũng được nhưng khi cần vẫn sẽ biết được đó là ai”, Bộ trưởng Hùng khẳng định.
8h sáng nay 8/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội trong vai trò người đứng đầu ngành Thông tin - Truyền thông. Dưới đây là những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, yêu cầu được Bộ trưởng làm rõ.
Trang Thông tin điện tử (TTĐT) vi phạm sẽ bị dừng tên miền
Về công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay (thời điểm Nghị định 72 có hiệu lực), tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động thông tin điện tử tổng hợp, hay mạng xã hội đều phải có giấy phép.
Khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội, tổ chức, danh nghiệp đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, hoạt động quản lý thông tin, nhân sự, tên miền… Bên cạnh đó, các đơn vị đều phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại Nghị định 72.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết các trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật. Tính hết tháng 10/2019, Cục PTTT và TTĐT đã xử phạt 13 vụ với tổng số tiền hơn 248 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép; Cung cấp, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các trang TTĐT tổng hợp đối với các doanh nghiệp và cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc. Đối với các trang đã cấp phép, sẽ thực hiện tổng rà soát ngay trong những tháng tới để chấn chỉnh các vi phạm về “báo hóa”, về quảng cáo, về tổng hợp thông tin, về bản quyền nội dung. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dừng tên miền kết hợp với xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép.
Tạm thời không cấp phép mới cơ quan báo chí
Về công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến nay cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương… Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.600 người (phát thanh, truyền hình 17.600 người; báo in, báo điện tử 24.000 người). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.
Thời gian qua, trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông tạm thời không xem xét cấp phép mới cơ quan báo chí. Chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt đông thực hiện thêm loại hình báo chí, số liệu cơ quan báo chí thay đổi không nhiều.
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến hết tháng 10/2019, đã xử lý 24 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 3 trường hợp.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu lãnh đạo một số tạp chí điện tử có nhiều sai phạm hoặc có nhiều phản ánh về biểu hiện sai phạm tham gia giao ban báo chí hàng tuần để Ban và Bộ nhắc nhở, chấn chỉnh.
Kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa bảo đảm
Với nhóm vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia được đánh giá, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Với kết quả này, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã đóng góp quan trọng trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhận thức và quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của tất cả các cấp ngành ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, có nơi còn hình thức, chưa phát triển theo chiều sâu. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế kể trên được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ là do kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin chưa được bảo đảm; Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; Cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, không tích cực sử dụng các hệ thống thông tin trên môi trường điện tử.
Để khắc phục những tồn tại kể trên, Bộ thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư…) để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử. Các Bộ ngành, địa phương bố trí đủ ngân sách cho kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử…
Quang Phong