1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quốc hội giao chỉ tiêu chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng

(Dân trí) - Để nhấn mạnh yêu cầu nâng cao tỷ lệ phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, tăng cường chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, Quốc hội giao chỉ tiêu giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao phải đạt trên 90%...

Chiều 27/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp với tỷ lệ trên 92% số đại biểu Quốc hội tán thành.

Quốc hội giao chỉ tiêu chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng - 1
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp 2020.

Tăng cường truy bắt người bị truy nã bỏ trốn  

Nghị quyết thể hiện, dù đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan tư pháp thời gian qua trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm song Quốc hội vẫn chỉ rõ, thực tế, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế. Việc chấp hành pháp luật trong khởi tố, điều tra tội phạm có trường hợp chưa nghiêm.

Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tương xứng với tình hình thực tế. Vẫn để xảy ra trường hợp oan, bỏ lọt tội phạm.

Công tác kháng nghị, nhất là kháng nghị trong lĩnh vực dân sự, hành chính hiệu quả chưa cao.

Công tác xét xử của một số Tòa án vẫn còn tình trạng cho hưởng án treo, áp dụng tình tiết giảm nhẹ không đúng quy định của pháp luật, vẫn còn một số bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.

Tỷ lệ thi hành án dân sự về tiền còn thấp so với số việc có điều kiện thi hành. Tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp, kéo dài qua nhiều năm, nhất là trường hợp người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND.

Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam có mặt còn hạn chế; số người bị kết án phạt tù trốn ngoài xã hội, phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ hoặc phạm tội mới không giảm.

Năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp chưa cao, một số trường hợp sa sút phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật, phải xử lý hình sự.

Giao chỉ tiêu cho từng cơ quan trong năm 2020, Quốc hội yêu cầu Chính phủ Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%. 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố.

Nâng cao chất lượng công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án. Thường xuyên rà soát và tích cực xác minh những vụ án tạm đình chỉ điều tra để sớm phục hồi điều tra và báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát, xử lý tại kỳ họp cuối năm. Nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Tăng cường truy bắt đối tượng bị truy nã ngoài xã hội. Tích cực thực hiện các giải pháp chống lạm dụng bắt người, tạm giữ, tạm giam. Giảm số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam chết thuộc trách nhiệm quản lý của cơ sở giam giữ. Khắc phục tình trạng tạm giữ, tạm giam chung người trong cùng vụ án, người dưới 18 tuổi với người trên 18 tuổi.

Kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để bảo đảm thi hành án.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.

Trong trách nhiệm của mình, Chính phủ cũng phải chỉ đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với VKSND, TAND và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết đến Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật. Xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND, UBND các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Quốc hội giao chỉ tiêu chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng - 2

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp. (Ảnh: Việt Hưng)

Đẩy nhanh xét xử án tham nhũng

Đối với VKSND tối cao, Quốc hội yêu cầu bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát. Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để giải quyết vụ án khẩn trương, đúng pháp luật. Bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đúng pháp luật. Không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Lãnh đạo VKSND tối cao có nhiệm vụ chỉ đạo Cơ quan điều tra của Viện giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 70% các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% trên tổng số án khởi tố của Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Liên quan tới chỉ tiêu này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị quy định giảm tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao xuống còn 80%. Cơ quan giải trình - UB Thường vụ Quốc hội phân tích, các nghị quyết hiện hành đang quy định tỷ lệ này là trên 90%.

Mức chỉ tiêu nêu ra như vậy cũng để bảo đảm thống nhất với quy định về tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra trong công an và Cơ quan điều tra trong quân đội (đều trên 90%).

Hơn nữa, Chủ nhiệm UB Tư pháp chỉ rõ, theo quy định của luật, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có chức năng điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Trong báo cáo thẩm tra hàng năm, UB Tư pháp đều kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao nâng cao tỷ lệ phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp nhằm thực hiện tốt yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về tăng cường chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng.

Với những lý do đó, Quốc hội quyết định tiếp tục giao chỉ tiêu nêu trên với tỷ lệ trên 90%.

Đối với TAND tối cao, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu cơ quan này có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%. Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử. Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án.

Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm, có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.

Phương Thảo