Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn "hiến kế" khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay tới năm 2026 cần phải bù đắp bổ sung 107.000 giáo viên và sẽ còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc, chứ không đứng yên.

Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải đáp một số thắc mắc của đại biểu Quốc hội liên quan nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tình trạng giáo viên nghỉ việc thời gian qua.

"Đã có nhiều ý kiến đề cập tới thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc. Những ngày qua Bộ cũng nhận được trên 200 ý kiến của cử tri gửi tới, bày tỏ băn khoăn lo lắng trước tình trạng này"- ông nói.

Theo ông, 2 vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tuy khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hiến kế khắc phục tình trạng thiếu giáo viên - 1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã xác định từ nay tới năm 2026 cần phải bù đắp bổ sung 107.000 giáo viên và chắc chắn còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc, chứ không đứng yên. Con số này tính toán cần bù đắp để duy trì việc dạy học bình thường; đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nguyên nhân thiếu giáo viên do từ nhiều năm về trước, nhiều năm không tuyển, số tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu. Thiếu giáo viên do tăng dân số tự nhiên…

Nếu vào năm học mới tháng 9/2015, tổng số học sinh trên 19 triệu thì tới tháng 9/2022 số học sinh đã trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 có hơn 1,1 triệu cho bậc mầm non đến phổ thông và đến tháng 9/2022 có hơn 1,2 triệu giáo viên. "Như vậy, số giáo viên nhích thêm hơn 100.000, trong khi số học sinh tăng hơn 3 triệu. Đây là thiếu do tăng dân số tự nhiên"- ông Sơn lý giải.

Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do biến động vùng miền, dân số dồn về thành phố lớn, các khu công nghiệp. Thiếu giáo viên do tình hình dịch bệnh, tác động đến các trường mầm non, do dịch bệnh các trường mầm non đóng cửa rất lớn. Thiếu do nhu cầu do nhu cầu phổ cập mầm non; thiếu do chuẩn tỷ lệ giáo viên/học sinh, số học sinh/lớp cần đảm bảo…

Muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn. Nếu số lượng lớp học mà 60-65 học sinh/lớp thì sẽ rất khó nâng cao chất lượng dạy và học.

Các địa phương cần tuyển giáo viên ngay

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết vừa qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu đến năm 2026, riêng năm nay được duyệt trên 27.000 chỉ tiêu, tới đây sẽ bắt đầu công việc tuyển dụng. Ông đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, tiếp tục tuyển dụng để đáp ứng được yêu cầu.

Trong số 65.000 chỉ tiêu nêu trên, Bộ trưởng Sơn mong ngành nội vụ phối hợp ngành giáo dục đào tạo dồn chỉ tiêu này cho năm 2023- 2024, vì đây là những năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn, nếu đợi sau năm 2024, lúc đó sẽ không còn ý nghĩa.

"Các địa phương cần phải tuyển ngay, tránh tình trạng dồn 2-3 năm mới tuyển"- ông lưu ý và khẳng định một trong những chính sách rất quan trọng là việc tăng lương cho giáo viên.

Tăng lương là giải pháp rất quan trọng để giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh đó, đối với giáo viên, thiếu nhiều nhất, bỏ việc nhiều nhất là cấp giáo viên mầm non, chiếm 40%.

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Ông đề nghị mức tốt nhất là tăng phụ cấp ưu đãi cho nhóm giáo viên mầm non được hưởng tương tự như mức phụ cấp ưu đãi so với y tế cấp cơ sở. Nếu không thì cũng tăng tối thiểu lên ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở, ở mức 75%.

"Ngành giáo dục đào tạo kiến nghị và hết sức mong muốn được nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho đối tượng giáo viên mầm non"- Bộ trưởng mong mỏi.

Ngoài ra, theo ông Sơn, hiện còn chính sách rất quan trọng để có thể giảm được tỷ lệ thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Đồng thời phải giám sát thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong thi tuyển giáo viên.

"Nếu để phát sinh tiêu cực trong việc này thì đó là điều rất đáng tiếc, có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển"- ông nói và đề nghị các địa phương dùng ngân sách của địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên không thuộc chỉ tiêu biên chế.