1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung tạo vùng kinh tế trọng điểm

Thế Kha

(Dân trí) - "Vấn đề mới hiện nay chủ yếu là chúng ta tập trung tạo ra các vùng kinh tế, các hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng để làm sao có trọng tâm, trọng điểm".

Chiều 21/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung tạo vùng kinh tế trọng điểm - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Phạm Thắng).

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Đồng thời, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu các định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu như phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến; phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; các ngành hạ tầng xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung tạo vùng kinh tế trọng điểm - 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Phạm Thắng).

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định xây dựng hệ thống đô thị quốc gia theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, TPHCM và các thành phố trực thuộc Trung ương thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Bên cạnh đó sẽ quan tâm phát triển các đô thị trung bình và nhỏ.

Về giải pháp, nguồn lực thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong quy hoạch tổng thể đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện, xây dựng hệ thống các giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực…

Cần đánh giá sâu hơn về yếu tố thuận lợi, khó khăn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện để bảo đảm sự thống nhất về nội dung và số liệu.

Về nội dung chủ yếu của quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phân tích, đánh giá sâu hơn về yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, dân số, tài nguyên nhân văn và các yếu tố khác như: khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia và văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư. Đồng thời, cần đưa ra nhận định các điều kiện, yếu tố này tác động (tích cực, tiêu cực) như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong thời gian tới…

Ông cũng chỉ ra việc báo cáo chưa đề cập đến vấn đề môi trường biển cũng như tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với các vùng ven biển và đảo có cao trình đặc biệt thấp so với mực nước biển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung tạo vùng kinh tế trọng điểm - 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đề nghị xem xét bổ sung địa bàn phụ cận các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 18… các tỉnh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Bổ sung vùng động lực phát triển Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An.

Đối với không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng, ông đề nghị bổ sung hai nội dung quan trọng trong định hướng phát triển vùng công nghiệp điện tử, đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng vành đai Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng trong giai đoạn trước năm 2030. Đối với kinh tế cửa khẩu cần xác định thêm hai trung tâm kinh tế quan trọng là Lạng Sơn và Lào Cai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này, các cơ quan tiếp tục rà soát để hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới (dự kiến vào tháng 1/2023).

Ông Huệ đề nghị rà soát quy hoạch tuân theo quy định của Luật Quy hoạch, về phạm vi ranh giới cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển cần thể hiện ngay và rõ.

Đánh giá cao khi quy hoạch chú trọng hành lang kinh tế Đông - Tây, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý chú trọng hơn đến kết nối khu vực và quốc tế, có sự chọn lọc những tuyến quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển trước. Về danh mục dự án quan trọng quốc gia cần nêu dự kiến, tính toán bổ sung các nguồn lực và phát triển nhân lực cần gắn với phân bổ dân cư…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung tạo vùng kinh tế trọng điểm - 4

Định hướng phát triển công nghiệp được nêu trong dự thảo (Ảnh: P.T).

Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề khó nhất và được quan tâm nhất hiện nay là phạm vi và ranh giới của quy hoạch dừng ở mức độ nào; các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhận thấy nội dung này còn thiếu, chưa rõ và cần phải bổ sung.

Tuy nhiên, ông Dũng bày tỏ, nếu chi tiết quá thì lại trùng với quy hoạch ngành, quy hoạch của tỉnh. Quy hoạch tổng thể quốc gia này nằm giữa chiến lược, nghị quyết với các quy hoạch chi tiết thì phải thể hiện thế nào để làm rõ được chiến lược phát triển trong thời kỳ mới nhưng lại không quá chi tiết là rất khó. 

"Vấn đề mới hiện nay chủ yếu là chúng ta tập trung tạo ra các vùng kinh tế, các hành lang kinh tế, các vùng động lực, các cực tăng trưởng để làm sao có trọng tâm, trọng điểm", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung góp ý nêu trên.