(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ, làm ở cơ quan giúp việc của Thủ tướng, của Chính phủ là "núp dưới bóng cây đa cây đề", chỉ luôn tận tụy, trung thành phục vụ…
Từ chối danh hiệu Bộ trưởng "siêu bộ", khẳng định không có hình ảnh riêng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ, làm ở cơ quan giúp việc của Thủ tướng, của Chính phủ là "núp dưới bóng cây đa cây đề", chỉ luôn tận tụy, trung thành phục vụ…
2020, một năm đầy biến cố đã khép lại. Dấu ấn nào trong hoạt động của Chính phủ mà Bộ trưởng muốn nhắc tới để tổng kết "năm biến cố" này?
Kết thúc năm 2020 cũng là kết thúc nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Chính phủ, chuẩn bị giai đoạn mới. 2020 trôi qua, có thể đúc kết được kết quả nổi bật nhất là Việt Nam thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19.
2020 cũng năm ghi nhận thiên tai, biến đổi khí hậu khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử nhưng Việt Nam đã vượt qua thách thức, duy trì được tăng trưởng dương ở mức cao nhất thế giới (2,91%), trong khi nhiều quốc gia và nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm.
Tôi còn nhớ, ngay trước Tết Nguyên đán năm ngoái, Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở thời điểm đó là "dịch cúm" này không lây từ người sang người. Tuy nhiên, khi đó chúng tôi phản biện ngay. Chúng tôi nhận định tình hình không phải như thế và báo cáo, đề xuất ngay với Thủ tướng các biện pháp.
Tôi cho rằng, nếu dịch bệnh không nguy hiểm thì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp ngay Mùng 1 Tết, nếu không nguy hiểm thì việc gì Vũ Hán phải phong tỏa cả thành phố 11 triệu dân, nếu không nguy hiểm vì sao có cảnh 5 triệu người Vũ Hán tìm mọi cách "tháo chạy"… Dự đoán của chúng tôi khi đó là, Trung Quốc chấp nhận hy sinh Vũ Hán để cứu nhiều tỉnh thành khác, tình thế ở mức nguy cấp.
Chúng tôi báo cáo Thủ tướng quan điểm không thể thực hiện theo khuyến cáo của WHO. Vậy nên trong công điện đầu tiên của Thủ tướng (số 05), tinh thần đã hoàn toàn khác. Thủ tướng đã đưa ra chỉ lệnh chưa từng có "chống dịch như chống giặc".
Giờ ngồi nhìn lại thời điểm đầu năm 2020 mới thấy hết sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của các lãnh đạo Đảng, nhà nước trong từng vấn đề cụ thể. Nếu Việt Nam cứ "du di", làm đúng theo khuyến cáo thì có lẽ bây giờ chúng ta không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra.
Bộ trưởng nói về dấu ấn chống dịch và thực hiện mục tiêu kép đặt ra là giữ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất có thể. Thành quả trong một năm khó khăn đến vậy quả thật rất ấn tượng. Vậy nên 2020, hãng định giá thương hiệu Brand Finance (của Anh) nhận định Việt Nam là nước có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất (tăng 9 bậc, vào top 100 thương hiệu quốc gia), đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do Covid-19. Thành công với việc chống dịch là yếu tố đưa lại kết quả này?
Theo tôi, việc tăng bậc xếp hạng thương hiệu quốc gia rõ ràng có dấu ấn của thành công trong việc chống dịch. Chính bởi Việt Nam làm tốt như vậy nên niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, niềm tin thị trường tăng cao. Song song với đó, các chỉ số thể hiện sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng liên tục tăng nên quốc tế đánh giá nước ta có môi trường ổn định về chính trị, môi trường đầu tư, kinh doanh rất thuận lợi.
Và quan trọng, tôi cho rằng kinh tế của chúng ta phát triển và phát triển rất thực chất, hướng tới mô hình tăng trưởng tích cực, bền vững. Việt Nam vẫn tiếp tục đà giảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài… với những chỉ số được giám sát của quốc tế đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Đầu tư vào Việt Nam hiện tại có thể nói là rất hấp dẫn với một thị trường lớn, nguồn nhân lực dồi dào.
Bạn cũng có thể thấy không ở đâu mà lãnh đạo các nước đến thăm có thể đi bộ, dạo phố thoải mái, đi ăn phở, đi tập thể dục, nói chuyện với các cụ già, chơi cùng các em nhỏ… Đó là vì chúng ta có nền chính trị ổn định, có tình hình an ninh trật tự rất tốt.
Chúng ta không thể nói Việt Nam không có thương hiệu được mà phải nói thương hiệu Việt Nam phải cao nữa, giá trị nữa mới đúng.
Vẫn là chuyện về "năm Covid 2020", thông tin mới, tích cực đến vào những ngày cuối năm là việc vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam đã có thể thử nghiệm trên người. Đây sẽ là "chìa khóa" cho hoạt động điều hành chống dịch bệnh của Chính phủ trong năm 2021?
Mục tiêu kép đã được duy trì và tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt trong suốt năm 2020 và 2021 cũng sẽ thế. Nếu không giữ được kết quả phòng chống dịch tốt thì chúng ta không làm được gì cả và cũng không thể nói Việt Nam cứ đóng cửa ngồi… chờ để "lánh xa" Covid-19. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong năm 2021, trước hết vẫn là phòng chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt nhất là vấn đề kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ, quản lý người nhập cảnh… không thể lơ là trong khâu nào. Nếu có tình huống xấu, chúng ta cũng có những phương án rất mạnh mẽ.
Liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19, chúng tôi nhận định, Việt Nam chủ động sản xuất được là rất tốt, cả nước rất mong chờ. Nhưng nếu chưa thể chủ động sản xuất đủ lượng vắc xin theo nhu cầu được thì Thủ tướng chỉ đạo vẫn phải tìm cách đặt mua từ bên ngoài. Khi có vắc xin thì chúng ta khuyến khích người dân tiêm phòng. Chúng tôi cũng sẽ có những tham mưu, đề xuất cụ thể với Thủ tướng về đối tượng ưu tiên, chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Một thành quả khác, có thể nói không chỉ của năm 2020 mà còn là dấu ấn trong nhiệm kỳ này của Bộ trưởng, trên cương vị người đứng đầu Văn phòng Chính phủ là việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đến nay, những thành tố cơ bản của một Chính phủ điện tử, Chính phủ không giấy tờ đã hình thành, vận hành hiệu quả. Bộ trưởng từng nói, làm Chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là dám vứt bỏ quyền lợi. Cán bộ của ông đến giờ đã dám làm điều đó chưa?
Đúng là tôi vẫn nói quyền lợi, cát cứ là rào cản lớn với việc làm Chính phủ điện tử mà thực chất, đó chính là lợi ích nhóm. Vậy nên chúng tôi thúc đẩy việc minh bạch, buộc cán bộ phải dám cắt bỏ lợi ích cục bộ của bộ ngành mình để hướng tới lợi ích chung.
Việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn với nền kinh tế số, thay thế hệ thống giao dịch, xử lý văn bản giấy bằng văn bản điện tử. Về hướng người dân, các dịch vụ, thủ tục hành chính công cũng sẽ nhanh chóng được điện tử hóa, thay vì phải đến cơ quan hành chính nhà nước, tiếp cận cán bộ cơ quan nhà nước, người dân có thể tự thực hiện các quy trình ngay tại nhà. Điều đó giúp giảm thời gian, giảm cả chi phí chính thức và không chính thức, tạo ra sự minh bạch, ngăn chặn điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng vặt.
Làm như vậy chính là cắt bỏ quyền lợi của cơ quan tham mưu, những bộ phận tham mưu. Và tôi khẳng định, Văn phòng Chính phủ là cơ quan gương mẫu về việc này. Từ tháng 6/2018, Văn phòng Chính phủ đã là cơ quan hoạt động phi giấy tờ. Trước đây, các cơ quan, bộ ngành vẫn đến Văn phòng Chính phủ "xin" văn bản, nay thì không còn như vậy nữa. Tức là chúng tôi đã tự gạt bỏ quyền được "cho", chấp nhận chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm và giải trình với việc xử lý công việc ở khâu của mình, hướng tới tư tưởng một Chính phủ phục vụ.
Loại bỏ cơ chế "xin - cho" rõ ràng trước hết là phải tự đấu tranh với mình. Vậy còn áp lực từ các cơ quan, bộ ngành khác, thậm chí là cấp trên với tâm lý "lưu luyến", muốn giữ lợi ích của mình thì thế nào, Bộ trưởng có phải chịu nhiều sức ép?
Thực ra thì khi mới triển khai công việc, chuyện sức ép là bình thường vì không có cải cách nào mà không vấp phải sự phản đối, trở lực. Nhưng với quan điểm, chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ thì đó là việc buộc phải làm. Không riêng gì Văn phòng Chính phủ mà tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải tham gia cải cách mạnh mẽ.
Vậy nên so với thời gian đầu, sức ép, như bạn nói, giờ đã giảm nhiều vì làn sóng cải cách đã lan rộng khắp, tư tưởng cục bộ cá nhân, tư tưởng vun vén cho nhóm lợi ích này kia dần dần sẽ hạn chế. Quy trình chung vận hành, khâu nào cũng có các cơ quan giám sát, buộc trách nhiệm giải trình với người đứng đầu. Bộ, ngành nào cố tính tạo rào cản thì văn bản qua Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đều bị rà soát kỹ. Rồi khi văn bản được ban hành, đi vào thực thi, nếu bị người dân, doanh nghiệp đánh giá là rào cản, co kéo lợi ích bộ ngành thì cơ quan chủ trì soạn thảo khi đó còn khổ hơn nhiều. Người đứng đầu Bộ, ngành khi đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân.
4 năm trước, Bộ trưởng tiếp nhận Văn phòng Chính phủ là một cơ ngơi rất lớn, như dư luận thường đánh giá là một "siêu bộ". Tuy nhiên, theo tinh thần "dám vứt bỏ quyền lợi", tự thu hẹp quyền lực của chính bộ, ngành mình, đến thời điểm này, vị trí, vai trò của Văn phòng Chính phủ có giảm đi trong hệ thống bộ máy, theo đánh giá của Bộ trưởng?
Tôi nhớ 4 năm trước, năm 2016, khi nhận quyết định phê chuẩn bổ nhiệm, tôi đã nhận được câu hỏi là đánh giá thế nào khi nhậm chức Bộ trưởng "siêu bộ". Khi đó tôi khẳng định ngay Văn phòng Chính phủ không phải là "siêu bộ" mà đó là từ người ta dùng để đánh giá rằng tại đây nhiều tiêu cực, một cơ quan nắm nhiều quyền lực mà lại là rào cản lớn. Tôi nhận thấy đó là "tự ôm quyền" thế thôi chứ Văn phòng Chính phủ, theo quy định rõ ràng của luật, là cơ quan tổng hợp, cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng, cho Chính phủ. Chuyện tự vạch ra "quyền anh quyền tôi" là tạo ra thứ quyền lực "không bị nhốt trong lồng" thì không kiểm soát được.
Sau đó, người đứng đầu Chính phủ đã truyền cảm hứng về tinh thần cải cách, kiến tạo đến Văn phòng Chính phủ. Đến giờ, tôi có thể khẳng định, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã là một cơ quan rất gương mẫu, đi đầu trong cải cách. Chất lượng cán bộ công chức viên chức đến nay khẳng định là đã thay đổi rất nhiều. Chúng tôi đã kiểm soát, không để qua mắt cả những "chiêu trò" dùng kỹ xảo, kỹ thuật để đánh lừa hệ thống đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan trong khi bộ máy, biên chế cán bộ lại giảm nhiều.
Tính đến thời điểm này, Văn phòng Chính phủ đã giảm 11,9% số cán bộ nhưng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ, là cơ quan trung gian, trung thành và tận tụy với hoạt động của Chính phủ, của Thủ tướng.
Không còn chuyện "quyền anh quyền tôi" nhưng tôi cho rằng như vậy cũng không phải là bị co giảm quyền lực. Thực tế, các cơ quan, người ta có có quý mình mới gọi điện trao đổi chứ không người ta có thể phản ánh sau lưng thì còn khổ, đau, day dứt, tâm tư hơn. Ở đây, mỗi khi có vấn đề, Bí thư, Chủ tịch tỉnh thường nhắn tin cho tôi luôn, dù khi đó, địa phương mới ký văn bản, đang chờ chuyển đi. Tôi cũng luôn trả lời là văn bản chưa đến nhưng khi nhận được bản điện tử chúng tôi sẽ làm ngay. Sự sốt sắng với công việc chung như vậy rõ ràng là tốt mà.
Sắp kết thúc một nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ, với những việc đã làm được, ông mong muốn người dân nhớ về mình với hình ảnh thế nào, một Bộ trưởng hành động hay Bộ trưởng cải cách, Bộ trưởng gần dân…?
Chúng tôi là người giúp việc, phục vụ cho Thủ tướng, cho Chính phủ thôi, nhận nhiệm vụ và thực hiện với thái độ nghiêm túc, cầu thị. Tôi biết rằng mong muốn của người dân thì rất nhiều, rất lớn, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Là người giúp việc, chúng tôi núp dưới bóng cây tùng cây bách, cây đa cây đề, không có hình ảnh gì, chỉ là tinh thần làm việc luôn tận tụy, trung thành phục vụ lãnh đạo, đất nước, hướng tới một Chính phủ phục vụ. Nếu người dân, doanh nghiệp hài lòng thì chúng tôi rất phấn khởi với những gì mình đóng góp được cho Chính phủ, cho đất nước.
Xin cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Bộ trưởng năm mới thành công mới!