1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Khó trả lời bao giờ hết tắc đường

Thừa nhận mức độ ùn tắc giao thông của ta đang trầm trọng, bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đồng thời cũng cho biết, rất khó để trả lời câu hỏi khi nào hết cảnh ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Khó trả lời bao giờ hết tắc đường - 1
Ngành GTVT khép lại một năm 2009 với nhiều hoạt động sôi nổi, nhiều dự án được khởi công và được đưa vào sử dụng. Nhưng vẫn còn đó những nỗi lo: ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, tai nạn giảm chưa nhiều… khiến lĩnh vực này luôn là điểm “nóng” của những mối quan tâm trong xã hội.

 

Điều này cũng vừa là sự phấn chấn vừa là nỗi trăn trở của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đầu năm mới 2010.

 

Với một loạt dự án đã được khởi động, nhiều dự án đã đưa vào sử dụng trong năm 2009, Bộ trưởng có thể phác họa diện mạo của giao thông nói chung,  đặc biệt là giao thông tại 2  TP lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) nói riêng trong thời gian  tới như thế nào?

 

Các dự án trải dài tại các miền của đất nước. Tuy nhiên, riêng với hai đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội  trong khoảng 3-5 năm nữa sẽ hình thành từng bước hệ thống đường cao tốc hướng tâm, từng bước giải tỏa ách tắc giao thông.

 

Ví dụ: đường cao  tốc hướng  tâm Sài Gòn- Trung Lương , cao tốc Sài Gòn- Long Thành - Dầu Giây, Biên Hoà- Vũng Tàu... Đồng thời hình thành các tuyến vành đai 2, vành đai 3  kết nối với đại lộ Đông - Tây, hình thành các tuyến tàu điện ngầm.

 

Tại Hà Nội cũng vậy. Ở đây sẽ hình thành một số tuyến cao tốc hướng tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế như Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội- Hải Phòng, tuyến Bắc- Nam.… Các tuyến nội đô cũng sẽ được đồng bộ.

 

Giao thông tại Hà  Nội và TP Hồ Chí Minh đang làm nhiều người dân ở hai thành phố này… thấy nản. Tuy nhiên với một số biện pháp tổ chức lại giao thông vừa qua, Bộ trưởng đánh giá thế  nào và đâu là giải pháp, thưa Bộ trưởng?

 

Hiện việc tổ chức giao thông ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập. Đặc điểm giao thông của chúng ta là giao thông hỗn hợp, nhiều loại phương tiện khác nhau cùng tham gia lưu thông, đây là điều dở nhất trong tổ chức giao thông của các thành phố. Bên cạnh đó, phương tiện cá nhân lại quá nhiều cùng với thói quen đi lại của nhiều người còn tuỳ tiện nên  rất dễ đi tới hỗn loạn, kẹt xe…

 

Để giải quyết vấn đề này, việc cần làm cả trước mắt và lâu dài là khi xây dựng các tuyến mới phải  tách được các phương tiện giao thông, không phải bằng giải pháp hành chính mà bằng giải pháp kỹ thuật.

 

Ở TP. Hồ Chí Minh, những tuyến đường mới đã và đang thực hiện được như đường Điện Biên Phủ đã được tách ra bằng giải pháp kỹ thuật.

 

Tuy nhiên ở  Hà Nội cũng đã thí điểm một số tuyến nhưng chưa được vì chỉ mới tách bằng giải pháp dải phân cách mềm. Như vậy với thói quen của người dân như bây giờ sẽ không tổ chức nổi. Đơn cử như tuyến vành đai 3 khu vực Mỹ Đình chẳng hạn, về mặt kết cấu có thể tách được làn, nhưng  chỉ thực hiện bằng dải phân cách mềm sơn vạch nên hiệu quả chưa cao.

 

Đối với các tuyến cũ có cái khó trong việc kết hợp giải pháp kỹ thuật và ý thức của người tham gia giao thông. Nhưng vẫn phải làm và phải có thời gian. Tuy nhiên tôi cho rằng với cách làm như hiện nay của Hà Nội còn chậm, cần phải nỗ lực hơn bằng giải pháp kỹ thuật thay vì giải pháp hành chính.

 

Bộ trưởng vừa nói với tiến độ như hiện nay của địa phương là chậm, vậy theo ông khi nào cảnh ùn tắc giao thông tại hai TP lớn này chấm dứt ?

 

Câu này rất khó trả lời. Quốc hội cũng đã chất vấn tôi như vậy, bởi tắc đường không phải chỉ là vấn đề của một quốc gia mà là của nhiều nước. Ngay như gần đây, tại Moscow khi diễn ra hội nghị về giao thông thế giới, lễ khai mạc đã chậm mất 1 tiếng, chỉ có mỗi Tổng thống nước chủ nhà có mặt đúng giờ còn tất cả các đại biểu đều đến chậm 1-2 tiếng do kẹt xe. Kẹt xe không chỉ ở Việt Nam mà London, Paris ... cũng có, chỉ khác nhau về  mức độ. Nhưng cũng phải thừa nhận mức độ của ta đang là trầm trọng.

 

Vì vậy  khi nào chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông cũng là câu hỏi rất khó trả lời, tuy nhiên đáp ứng cơ bản về giao thông thì cũng phải tính đến 10 năm, 15 năm nữa.

 

Trong sinh hoạt thường ngày, cá nhân Bộ trưởng có thường xuyên phải chịu tắc đường không?

 

Không nhiều, cũng bởi vì sáng tôi đi làm rất sớm, tối lại về muộn, nhưng không phải không gặp cảnh này, những lúc đó tôi thường điềm tĩnh, chờ đợi vì chẳng thể nào khác.

 

Còn người thân của ông?

 

Tất nhiên là có rồi, lâu nhất là hơn 1 tiếng đồng hồ và họ đã mang sự bực dọc đó về “đổ vào đầu Bộ trưởng”, bởi những người trong gia đình nghĩ tôi “là thủ phạm chính của nạn tắc đường”, tôi là Bộ trưởng, trách nhiệm của tôi phải lớn hơn. Tôi cho rằng họ nghĩ thế cũng là lẽ thường.

 

Nếu mỗi người tự điều chỉnh một chút, áp lực giao thông sẽ giảm, như đi làm sớm hơn một chút hoặc trong phạm vi bán kính vài km nên đi bộ…

 

Một điều ước cho năm mới 2010, Bộ trưởng mong muốn điều gì?

 

Tai nạn giao thông giảm, ùn tắc giao thông giảm, một xã hội giao thông an toàn, không tai nạn.

 

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

 

Theo Chinhphu.vn