Bộ trưởng Giao thông đề nghị Bộ Công an sát hạch bằng lái xe 12 điểm

Thái Anh

(Dân trí) - Việc làm luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tách ra từ luật Giao thông đường bộ đã được thống nhất cơ bản. Việc sát hạch, cấp bằng lái xe, chính Bộ trưởng Giao thông đề nghị Bộ Công an chủ trì…

Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin tại phiên họp ngày 7/9 thẩm tra dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại UB Quốc phòng – An ninh.

Bộ trưởng Giao thông đề nghị Bộ Công an sát hạch bằng lái xe 12 điểm - 1
Dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được UB Quốc phòng - An ninh tổ chức thẩm tra sơ bộ.

Trừ điểm bằng lái xe là hình phạt bổ sung hay biện pháp quản lý?

Thẩm tra sơ bộ nội dung quy định về việc sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe mới (có 12 điểm/năm), đa số ý kiến trong UB Quốc phòng – An ninh nhất trí với phương án Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Cơ quan thẩm tra nhận định, đây là một trong những sửa đổi quan trọng được quy định tại dự luật. Cụ thể, giấy phép lái xe mới sẽ có 12 điểm trong 12 tháng, nếu bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại và nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi 12 điểm cho 12 tháng kế tiếp.

Điểm mới này, dù là nội dung được tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế, song vẫn được yêu cầu cân nhắc tính khả thi. Có ý kiến của UB Quốc phòng – An ninh lưu ý, việc tính điểm nên áp dụng đối với người lái xe, còn giấy phép lái xe là một loại giấy tờ, không có điểm.

Có ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định học lại các nội dung đã phạm lỗi khi giấy phép lái xe bị trừ đến một số điểm nhất định. Ý kiến khác đề nghị quy định, trừ điểm trong giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt bổ sung trong luật Xử lý vi phạm hành chính chứ không chỉ là một cách thức quản lý như quan điểm của cơ quan soạn thảo luật.

Nhìn nhận quy định mới về điểm của giấy phép lái xe và trừ điểm, phục hồi điểm của giấy phép lái xe là nhằm bổ sung chế tài trong quản lý đối với giấy phép lái xe, có sự tham khảo kinh nghiệm pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn của một số nước, UB Quốc phòng – An ninh đánh giá, quy định như vậy nhằm mục đích gắn việc quản lý giấy phép lái xe với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông.

Vì lẽ này, việc bổ sung quy định trên trong luật và xác định hình thức xử phạt bổ sung trong luật Xử lý vi phạm hành chính, theo UB Quốc phòng – An ninh, là hợp lý.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra lưu ý cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, cho rằng đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, UB Quốc phòng – An ninh đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Thống nhất những “nét” cơ bản

Bộ trưởng Giao thông đề nghị Bộ Công an sát hạch bằng lái xe 12 điểm - 2
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày những nội dung chính của dự luật.

Thảo luận tại phiên họp, hầu hết các ý kiến thống nhất với sự cần thiết của dự luật. Còn một ý kiến lo ngại từ việc tách luật là khả năng có quy định bị chồng chéo, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương. Vì thế, ông Hương đề nghị  cần rà soát kỹ cả 2 luật để tránh tình trạng này.

Tương tự, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt thừa nhận, bà chưa thấy được thuyết phục với quan điểm tách luật.

“Tôi nghĩ phải làm thế nào để người dân hiểu 2 luật trên, không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng quyền anh, quyền tôi” – bà Nguyệt nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, lo ngại trên không phải là vấn đề lớn. Ông Thọ giải thích, việc tách luật sẽ giúp quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị thực thi nhiệm vụ.

“Có việc gì xảy ra chúng ta vẫn hay kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà cả hệ thống vào thì không biết ai chịu trách nhiệm chính” – ông Thọ nêu quan điểm và khẳng định hai luật cũng sẽ không chồng chéo nhiều.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu vào cuối phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc  khẳng định sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 sắp tới (tháng 10/2020).

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh chính sách, lĩnh vực riêng của từng đạo Luật đó là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng.

“Vấn đề này đã được phân định rõ ràng trong quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã thống nhất những nét cơ bản. Ví dụ vấn đề sát hạch cấp giấy phép lái xe, chính Bộ trưởng Bộ Giao thông đã đề nghị Bộ Công an chủ trì sát hạch” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.

Vẫn theo Thứ trưởng Ngọc, lực lượng công an đã triển khai công an chính quy đến cấp xã, nên việc tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông sẽ được Bộ trưởng phân công phủ kín địa bàn, đáp ứng được tình hình trật tự, an toàn giao thông cao hơn ở cơ sở.