Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về “chìa khóa” tạo việc làm
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, “chìa khóa” tạo việc làm và giảm nghèo bền vững là tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp...
Tiếp tục phiên chất vấn chiều nay 6/11, đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) nêu vấn đề liên quan đến dự báo tình hình kinh tế - xã hội có nhiều phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, tình hình công nhân mất việc làm ngày càng nhiều.
Trước tình hình trên, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho công nhân, lao động; nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội trong thời gian tới.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) phản ánh thực tế thị trường lao động thiếu thông tin gắn kết giữa các tỉnh, các vùng và cũng chưa gắn kết chặt chẽ giữa trung tâm với doanh nghiệp hoạt động việc làm. Đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết nguyên nhân dẫn đến tồn tại này.
Một vấn đề nữa đại biểu Hồ Thị Kim Ngân muốn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ đó là thực tế hiện nay trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của thanh niên vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển và yêu cầu của thị trường lao động.
Trước khi trả lời cụ thể từng vấn đề, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng ta cũng như các nước trên thế giới bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động, cho đến nay, chúng ta đã tạo ra việc làm cho 7,8 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,48%, đối với khu vực thành thị khoảng 3,6%. “Tỷ lệ này có thể nói là sự cố gắng rất lớn và có thể chấp nhận được trong tình hình chung”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Đi vào vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, muốn tạo việc làm thì cái gốc quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. “Đây chính là chìa khóa tạo việc làm và giảm nghèo bền vững. Kinh nghiệm tất cả các nước cũng như thời gian qua ở các địa phương của nước ta cho thấy điều này là quan trọng nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Người đứng đầu ngành lao động cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo lại cho lực lượng lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án này. Bộ đang triển khai đề án này và trình Chính phủ vào đầu năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đánh giá thời gian qua chúng ta đào tạo chưa gắn với thị trường, chưa gắn với nhu cầu. Do vậy, theo Bộ trưởng, việc đào tạo cũng phải chú trọng hơn đối với vấn đề đầu ra, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn công việc và vị trí việc làm.
Vấn đề tăng cường kết nối giữa việc đào tạo với các doanh nghiệp cũng được Bộ trưởng Dung đặt ra. Theo ông, thời gian vừa qua ở các trường dạy nghề cho thấy hiệu quả rất rõ về vấn đề này. Cụ thể, với các trường kết nối tốt với doanh nghiệp, các em ra trường có việc làm ngay, có lương và thu nhập cao.
Đối với các doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải tập trung nâng cao chất lượng quản trị nhân lực và yếu tố công nghệ, đổi mới công nghệ. “Thời gian qua tôi thấy đây là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ, những doanh nghiệp đổi mới trong quản trị thì đều đứng vững, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Theo Bộ trưởng, vấn đề dự báo cung cầu lao động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn rất quan trọng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ xây dựng đề án này.
“Chúng tôi cũng đã lặn lội mời một số chuyên gia nước ngoài giúp cho Việt Nam về vấn đề này. Nhưng mới chủ yếu dự báo được cung cầu ngắn hạn, ở một số ngành nghề, lĩnh vực và giúp cho một số địa phương thực thi dự báo cung cầu. Qua đó cho thấy hiệu quả hơn và tốt hơn. Tuy nhiên, đấy chỉ là bước đầu ở một số ngành nghề lĩnh vực thôi. Thời gian tới phải tập trung vào việc này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.