Bộ trưởng Công Thương: "Nhà đầu tư uể oải nghe ngóng cơ chế, không dám làm"

Hoài Thu

(Dân trí) - Sau một năm ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết các nhà đầu tư vẫn uể oải nghe ngóng, không dám làm vì chưa rõ cơ chế.

Thảo luận tại tổ chiều 26/10 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết dự thảo lần này tăng 60 điều so với luật hiện hành.

Dự thảo lần này cũng bổ sung các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư hiện nay.

Theo ông Diên, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã ban hành một năm nhưng tới nay, các nhà đầu tư vẫn "uể oải, nghe ngóng cơ chế, không dám làm", vì chưa rõ khi bỏ ra số tiền lớn đầu tư sẽ thu hồi thế nào.

Bộ trưởng Công Thương: Nhà đầu tư uể oải nghe ngóng cơ chế, không dám làm - 1

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10 (Ảnh: Hồng Phong).

Vì thế, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Chẳng hạn, dự thảo luật nêu rõ định hướng giá điện, giá truyền tải, điều độ… sẽ theo thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước.

Cho biết Luật Điện lực sửa đổi một số điều để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực truyền tải, nhưng theo ông Diên, chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề đầu tư dự án, vì giá truyền tải quá thấp trong khi chi phí đầu tư lớn.

Theo Bộ trưởng Công Thương, giá điện hiện mới cơ bản tính giá sản xuất ở thị trường, chưa phản ánh đúng và đủ giá thành sản xuất điện năng.

"Hiện giá truyền tải mới được tính toán ở tỷ lệ 5-6% trong giá thành sản xuất, trong khi thực tế chi phí này phải tương đương 30-35% trong cơ cấu giá mới đúng bản chất", ông Diên nói.

Vì thế, ông cho biết giá điện sẽ tiến tới tính theo giá hai thành phần (điện năng và công suất), từng bước bóc tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng; khung giá điện theo giờ. Như vậy, mới có thể thu hút nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực truyền tải.

Nhấn mạnh việc Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050, tức cần phát triển mạnh năng lượng tái tạo, chuyển đổi các nguồn điện truyền thống, phát thải cao (than, khí) sang các nguồn điện ít phát thải hơn, điện sạch, song ông Diên nói cơ chế cho việc này còn thiếu, chưa đồng bộ.

"Không sửa luật sẽ khó thu hút đầu tư vào ngành điện", ông Diên nói và mong Quốc hội xem xét, cho phép thông qua dự án luật ở kỳ họp này.

Từ nay tới 2030 còn khoảng 5 năm, nếu luật này không được thông qua năm nay, không có cách nào thực hiện mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VIII, theo lời Bộ trưởng Công Thương.

Ông giải thích một dự án điện than mất khoảng 5-6 năm đầu tư, thi công cho tới khi vận hành, còn dự án điện khí LNG mất 7-8 năm. Hay dự án điện hạt nhân, giờ bắt đầu khởi động cũng mất khoảng 10 năm mới có thể vận hành.

Trong khi thực tế, các nguồn điện lớn, như thủy điện, đã phát triển tới hạn. Do đó, chậm ban hành luật này một ngày sẽ chậm hàng năm trời để triển khai dự án điện, dẫn tới nguy cơ rủi ro, mất an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.

"Chúng tôi kiến nghị dự án luật này được xem xét, thông qua trong một kỳ họp, để có cơ chế đủ mạnh, phát triển nhanh công suất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn điện", ông Diên nhắc lại.

Bộ trưởng Công Thương: Nhà đầu tư uể oải nghe ngóng cơ chế, không dám làm - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Hồng Phong).

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại nếu sửa đổi quy định nhưng lại không theo nguyên tắc quy hoạch, vội vã sửa mà không theo tổng thể, thì "sửa cái này lại gây ra vướng mắc vấn đề khác".

"Nếu sửa vội, sẽ sinh ra cái khác khó khăn hơn sẽ càng bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi luật rút gọn trong một kỳ chỉ sửa những gì đã rõ và mang tính cấp bách thôi. Những vấn đề nào chưa rõ và thống nhất cao thì để sau, không nên ôm đồm nhiều", ông Thanh nói.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) lại cho rằng việc thông qua dự luật này tại một kỳ họp là mạo hiểm, đặc biệt khi nhiều vấn đề mới như điện hạt nhân, điện năng lượng tái tạo… được nêu sơ sài, chưa rõ chính sách phát triển.