Bộ TN-MT: Cảnh báo sớm, chi tiết các đợt mưa lũ lớn
(Dân trí) - Từ nay tới cuối năm 2020 tiếp tục theo dõi, giám sát công tác dự báo và các đợt thiên tai. Dự báo diễn biến dòng chảy, thủy văn, cảnh báo sớm, chi tiết đối với các đợt mưa lũ lớn…
Tại hội nghị triển khai công tác từ nay tới cuối năm 2020 vừa diễn ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết 9 tháng qua ngành đã có những đóng góp về nhiều chủ trương, chính sách lớn trong văn kiện Đại hội đảng toàn quốc; xây dựng Luật bảo vệ môi trường; điều chỉnh chính sách để tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng thời bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương có điều kiện thuận lợi để chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài.
Phản ánh tiêu cực trong cấp sổ đỏ giảm 34%
Công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương đã có sự gắn kết chặt chẽ tạo sự chuyển biến rõ nét. Chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015.
Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở địa phương tăng từ 80,03% lên 85,62%.
Thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định đóng góp vào tăng trưởng. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất đến tháng 9/2020 đã đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5 nguồn thu nội địa (bằng 97,7% kế hoạch); thu thuế bảo vệ môi trường 40 nghìn tỷ đồng; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản đạt gần 2 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%...
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, công tác dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và việc phối hợp tốt với các bộ ngành địa phương đã phục vụ chủ động, hiệu quả trong điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo dõi, giám sát công tác dự báo và các đợt thiên tai
Từ nay tới cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn quốc gia đến năm 2050; nâng cấp và đưa vào hoạt động chính thức một số trạm khí tượng thuỷ văn trên phạm vi toàn quốc.
Theo dõi, giám sát công tác dự báo và các đợt thiên tai, đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn của các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia. Dự báo diễn biến dòng chảy, thủy văn, cảnh báo sớm chi tiết đối với các đợt mưa lũ lớn để chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều. Thực hiện xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần phải nỗ lực, cố gắng, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016 -2020 của ngành. Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các văn bản, nhiệm vụ đề án đã đăng ký trong Chương trình xây dựng văn bản pháp luật, chương trình công tác đặt ra.
Trong đó, Tổng cục Môi trường chủ trì tập trung cùng với các đơn vị và cơ quan thẩm tra của Quốc hội chuẩn bị giải trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, để khuyến khích tích tụ tạo thêm dư địa cho tăng trưởng kinh tế. Tập trung tổng kết thi hành Luật đất đai 2013.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu đề xuất những quan điểm, chủ trương lớn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong văn kiện trình Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung triển khai lập các quy hoạch quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng Quy hoạch đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn...