1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Thế Kha

(Dân trí) - Đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cung cấp thông tin dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khẩn cấp qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Phòng, chống mua bán người do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng.

Báo cáo của cơ quan soạn thảo cho thấy, sau hơn 7 năm thi hành Nghị định 09/2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế và vướng mắc; trong đó chưa quy định cụ thể chính sách, dịch vụ hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn do đó dẫn đến việc thực hiện chồng chéo hoặc không thực hiện được.

Nghị định số 09 chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.

“Nghị định mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà chưa quy định việc kết nối, chuyển tuyến gửi nạn nhân đến cơ sở cung cấp dịch vụ. Thực tế, nạn nhân của nạn mua bán người thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho công an, bộ đội biên phòng. Do đó, việc tư vấn tâm lý phải được thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ tại đồn biên phòng hoặc công an địa phương” - dự thảo tờ trình của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay.

Bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán - 1

Lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về nước

Về chế độ hỗ trợ y tế, các nạn nhân chủ yếu được khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng thực tế nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở, thậm chí chưa có quy định hỗ trợ mai táng đối với nạn nhân bị chết trong thời gian lưu trú…

Vì thế, dự thảo nghị định đã đề xuất quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp dịch và và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân được thực hiện theo quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Cơ sở thực hiện hỗ trợ nạn nhân do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thành lập có trách nhiệm thông báo với cơ quan chuyên môn về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi đặt trụ sở. Thời hạn thông báo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Quy định này sẽ góp phần giúp các cơ quan nhà nước kiểm soát, quản lý tốt hơn các cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, bảo đảm chỉ các cơ sở đủ điều kiện, đủ năng lực mới được thành lập, hoạt động, qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các nạn nhân.

Dự thảo cũng bổ sung quy định dẫn chiếu việc thực hiện thủ tục hành chính cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thực hiện trên hệ thống thông tin điện tử một cửa của tỉnh, thành phố theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Về chính sách hỗ trợ, dự thảo quy định nạn nhân trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức tối thiểu 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng.

Nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối đa không quá 15.000.000 đồng/hộ. 

Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Trường hợp không đủ điều kiện vay vốn theo quy định đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ cho vay vốn từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho nạn nhân.

Bên cạnh đó, nạn nhân được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu có nhu cầu học nghề thì được bố trí học nghề hoặc hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương…

“Cơ quan chuyên môn về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn về Giáo dục và Đào tạo cùng cấp quyết định xem xét hỗ trợ học văn hóa”- dự thảo nêu rõ.

Đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Nhằm đa dạng hóa các hình thức, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, dự thảo nghị định đã có 1 điều về đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân. Đường dây nóng sẽ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cung cấp thông tin dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khẩn cấp qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày. Mọi thông tin, trong quá trình tiếp nhận, xác minh, xác định phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của nạn nhân bị mua bán.

“Thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ nạn nhân bị mua bán phải được bảo mật, được xác định mức độ bảo mật và phạm vi cung cấp thông tin, báo cáo”- dự thảo nêu rõ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm