Giải cứu nạn nhân bị buôn bán: Tiền hỗ trợ chỉ đủ… cầm hơi!

(Dân trí) - Thông tin được đưa ra tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người giai đoạn 2012 – 2017 do UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 22/8, mức hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân bị buôn bán chỉ 30.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ tiền thuốc thông thường chỉ 50.000 đồng/người…

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nhận định khái quát, nguồn lực cho công tác phòng chống mua bán người “rất có vấn đề”.

Báo cáo của UB Tư pháp cũng nhấn mạnh, Luật Phòng chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về sớm tái hoà nhập cộng đồng, nhưng trên thực tế một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chế độ theo quy định của luật.

Đáng chú ý là mức hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân trong thời gian tạm trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định hiện nay là rất thấp, chỉ 30.000 đồng/người/ngày, bằng mức ăn của các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Còn hỗ trợ tiền thuốc thông thường 50.000 đồng/người là không phù hợp với nhu cầu nạn nhân vừa được giải cứu trở về.

Ngoài ra, thủ tục làm hồ sơ để thực hiện ban đầu còn quá rườm rà, gây khó khăn cho nạn nhân.

Ví dụ, theo quy định tại nghị định 09/2013 thì để nhận được 1 triệu đồng tiền trợ cấp khó khăn ban đầu thì hồ sơ đề nghị gồm: đơn theo mẫu, phải có xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã và văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đề nghị hỗ trợ là nạn nhân.

Trong thực tế, ở nhiều địa phương do thủ tục rườm rà như vậy nên nhiều nạn nhân đã bỏ không làm thủ tục để nhận khoản hỗ trợ này, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết.

Lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về nước
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về nước

Từ thực tế khảo sát, uỷ viên Thường trực UB Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhận xét, việc hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về có rất nhiều hạn chế. Khi nạn nhân được giải cứu xong, pháp luật quy định rõ ràng là được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm sinh lý, sức khỏe, trợ giúp pháp lý, học nghề... Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiều địa phương chưa quan tâm.

“Chúng tôi về làm việc với trung tâm bảo trợ xã hội của một số tỉnh, khi tiếp nhận nạn nhân trở về, nạn nhân chỉ ở từ một đến hai ngày, hầu như chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ gì nhiều, lập tức đã bị đưa về địa phương, gia đình. Tất nhiên có thể do nạn nhân có nhu cầu, nhưng còn có lý do gì khác không khi họ không lưu trú lâu hơn? Sau khi đưa về địa phương thì trung tâm này hầu như không nắm được họ trở về địa phương làm gì, như thế nào, có bị mua bán tiếp tục không, có tái hòa nhập cộng đồng tốt hay không?” - bà Hoa phát biểu.

Theo bà Hoa, mức hỗ trợ cho nạn nhân đã rất lạc hậu rồi nhưng thời gian qua không xem xét để sửa đổi, bổ sung. Một nạn nhân được hỗ trợ 30 nghìn đồng tiền ăn/người/ngày, bằng mức của nạn nhân ở trung tâm bảo trợ xã hội.

Bà Hoa so sánh chế độ hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán với chính sách dành cho các phạm nhân ở trại giam. Phạm nhân tham gia lao động sản xuất, mức ăn có thể được tăng thêm trong khi nạn nhân bị mua bán trở về, mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày chỉ đủ sức để… cầm hơi, thoi thóp. Mức hỗ trợ đó, theo đại biểu, không phù hợp với người vừa trở về, bị suy kiệt, đói rét bao ngày băng rừng vượt suối tìm đường quay về Việt Nam, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người.

Tiền thuốc 50.000/người, theo bà Hoa thì cũng chỉ đủ mua cồn i ốt, thuốc đỏ vệ sinh vết thương xây xát, chống cảm cúm thông thường… chứ không đủ cho việc thăm khám sức khỏe nạn nhân. Tiền mua quần áo cũng rất hạn hẹp...

Tiền hỗ trợ 1 triệu đồng, với thủ tục khó khăn lằng nhằng như vậy, nhiều nạn nhân sẵn sàng bỏ, không nhận số tiền ấy vì quá nhiêu khê, phức tạp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội sớm đề xuất sửa đổi những văn bản này để việc hỗ trợ nạn nhân thiết thực hơn, đại biểu Hoa đề nghị.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu yêu cầu: “Chúng tôi rất muốn biết từ năm 2012-2017, về thực chất, chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền cho công tác này (Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ - PV). Trong đó, tiền chi cho bộ máy là bao nhiêu, tiền chi cho nạn nhân chiếm bao nhiêu? Nếu tiền chi cho bộ máy chiếm phần lớn, tiền chi cho nạn nhân không đáng kể là có vấn đề”.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, tổng kinh phí được phê duyệt nằm trong chương trình phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011- 2015 là 720 tỷ đồng nhưng thực hiện thì không được như vậy.

Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, theo thống kê sơ bộ hàng năm kinh phí Trung ương dành trên dưới 8 tỷ đồng, còn lại nằm trong kinh phí thường xuyên của các bộ ngành nên tình hình thực tế rất khó khăn.

Cũng thừa nhận là mức hỗ trợ cho nạn nhân là thấp, song Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung “đính chính”, chính sách cho đối tượng này không phải thấp nhất trong các đối tượng bảo trợ xã hội. Ông Dung cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để đề xuất nâng chính sách hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán lên chứ thấp như vậy rõ ràng “không sống được”.

P.Thảo