Bỏ sổ hộ khẩu giấy, vướng mắc trong thủ tục đăng ký kết hôn
(Dân trí) - Sau hơn một tháng bỏ sổ hộ khẩu giấy, ngoài những thuận tiện mang lại thì người dân cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức bị "khai tử", người dân khi đến cơ quan, công sở thực hiện các thủ tục thì cán bộ giải quyết sẽ khai thác thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc quét mã, dùng thiết bị đọc chip trên căn cước công dân (CCCD).
Đến nay, luật đã đi vào cuộc sống được hơn một tháng và mang lại phần lớn những thuận tiện cho người dân.
Chiều 8/1, anh Tạ Hải Dương (SN 1986, quê Việt Trì, Phú Thọ) mang theo sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở - PV), CCCD bản sao công chứng đến trụ sở Công an phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để làm các thủ tục nhập khẩu.
Anh Dương cho biết, anh mua chung cư tại phường Phương Canh từ năm 2017, nhưng đến nay mới bắt đầu đi làm các thủ tục nhập khẩu về đây do trước đó bận công việc.
"Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, tôi thấy thuận lợi hơn là không phải về tách khẩu ở quê, không phải photo công chứng hộ khẩu, nên đỡ được rất nhiều thời gian, cũng như chi phí đi lại", anh Dương nói.
Ngoài những thuận tiện mang lại thì việc bỏ sổ hộ khẩu giấy gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính do chưa được trang bị đầu đọc chip nên một số UBND phường gặp khó khăn trong việc truy cập dữ liệu về dân cư của công an.
Chị P.T.T.H., cán bộ văn phòng một cửa của ủy ban nhân dân phường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng chưa được trang bị đầu đọc chip nên đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc truy cập dữ liệu về dân cư của công an. Đơn cử như các trường hợp người dân yêu cầu xác định tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn.
Theo lý giải của chị H., công dân từ khi đủ tuổi kết hôn (nam 20, nữ 18) mà thường trú trên địa bàn thì trong sổ hộ khẩu giấy sẽ có ngày nhập khẩu nhưng khi bỏ sổ hộ khẩu thì không có văn bản gì thể hiện điều này. Việc trích xuất thông tin qua CCCD gắn chip chỉ ra thời điểm hiện tại chứ không có thời điểm về trước nên không thể xác định được.
Đối với những người từng có hộ khẩu ở nơi khác thì phải quay về nơi đã sinh sống để xác định tình trạng hôn nhân. Những trường hợp này, các cán bộ văn phòng một cửa sẽ trao đổi với người dân, nếu người dân muốn nhanh thì tự đi làm hồ sơ, trích lục tàng thư hộ khẩu bên công an.
Còn công dân không muốn tự xin mà viết đơn đề nghị UBND phường làm công văn gửi công an để xác minh thì trường hợp này thủ tục có thể bị kéo dài hơn.
"Giả sử hôm nay người dân gửi công văn lên mà ngày mai công an quận trả lời được luôn thì phường tiếp tục giải quyết hồ sơ của công dân còn quận chưa trả lời thì hồ sơ sẽ bị treo. Thường thì người dân không hiểu, nghĩ mình làm khó người ta nên trong quá trình đấy họ cũng ý kiến rất nhiều nhưng cơ quan nhà nước chỉ được làm theo những gì mà pháp luật cho phép", chị H. chia sẻ.
Còn theo một cán bộ công an phường ở Hà Nội cho biết, từ khi bỏ sổ hộ khẩu giấy đến nay cũng có gặp khó khăn khi chưa đồng bộ giữa ủy ban - công an và việc xác định tình trạng hôn nhân gặp vướng mắc về mặt thời gian.
"Có những công dân từng đăng ký hộ khẩu ở nhiều nơi thì phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân ở nhưng nơi đã từng đăng ký đó, mốc ở năm bao nhiêu và chuyển đi năm bao nhiêu. Việc kiểm tra tình trạng hôn nhân, công an phường sẽ trao đổi với công an quận và có thể mất thời gian từ 1 - 2 ngày.
Ngày trước có sổ hộ khẩu giấy thì nhìn vào ngày, tháng nhập khẩu về là biết ngay nhưng giờ không có sổ thì phải tra cứu tàng thư ở công an quận. Người ở cố định thì không nói làm gì nhưng có người chuyển khẩu nhiều nơi thì việc xác nhận rất vất vả", vị cán bộ công an nói và cho biết việc xác định tình trạng hôn nhân là vướng mắc nhất kể từ khi "khai tử" sổ hộ khẩu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án xử lý vướng mắc về vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết: "Cái này, chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy có 7 giải pháp mà công dân và các lực lượng thực hiện. Chúng tôi rất muốn báo chí phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân".
Bộ Công an hướng dẫn 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu
Kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, Bộ Công an hướng dẫn người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân sau đây thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú:
1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân. Các thông tin trên mặt thẻ Căn cước công dân, gồm: (1) Ảnh, (2) Số thẻ Căn cước công dân (số định danh cá nhân); (3) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (4) Ngày, tháng, năm sinh; (5) Giới tính; (6) Quốc tịch; (7) Quê quán; (8) Nơi thường trú; (9) Ngày, tháng, năm hết hạn; (10) Đặc điểm nhân dạng; (11) Vân tay; (12) Ngày, tháng, năm cấp thẻ; (13) Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ.
2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp
Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ căn cước công dân. Các thông tin gồm: Số căn cước công dân; số chứng minh nhân dân 9 số; Họ và tên; Ngày sinh; Giới tính; Nơi thường trú; Ngày cấp căn cước công dân.
3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân
Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ căn cước công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu kết hợp sản xuất. Hiện nay, Công an cấp huyện đã được trang cấp và đang sử dụng.
Các thông tin gồm: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Giới tính; (4) Quê quán; (5) Dân tộc; (6) Tôn giáo; (7) Quốc tịch; (8) Nơi thường trú; (9) Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; (10) Số chứng minh đã được cấp; (11) Ngày cấp; (12) Ngày hết hạn (của thẻ căn cước công dân); (13) Đặc điểm nhận dạng; (14) ảnh chân dung; (15) Trích chọn vân tay; (16) Số thẻ Căn cước công dân (số định danh cá nhân).
4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bằng cách:
Bước 1: Công dân truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.
Bước 2: Đăng nhập tài khoản/mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng DVC quốc gia); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại.
Bước 3: Tại trang chủ, truy cập vào chức năng "Thông tin công dân" và nhập các thông tin theo yêu cầu: Họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, số điện thoại, mã xác nhận. Sau đó, nhấn Tìm kiếm.
Bước 4: Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Giới tính; (4) Nơi đăng ký khai sinh; (5) Quê quán; (6) Nơi thường trú; (7) Số định danh cá nhân; (8) Số chứng minh nhân dân.
5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), bằng cách:
Bước 1: Công dân đến cơ quan Công an đăng ký tài khoản mức 2; thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID; thực hiện kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.
Bước 2: Sau khi được kích hoạt, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử như sau:
(1) Công dân thực hiện đăng nhập một lần trên cổng dịch vụ công quốc gia (liên thông với cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương) với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử (Form), người dân không phải điền và không sửa được thông tin.
Các thông tin (tùy theo dịch vụ) gồm: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Giới tính; (4) Quê quán; (5) Dân tộc; (6) Tôn giáo; (7) Quốc tịch; (8) Nơi thường trú; (9) Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; (10) Số chứng minh đã được cấp; (11) Ngày cấp; (12) Ngày hết hạn (của thẻ CCCD); (13) Đặc điểm nhận dạng; (14) ảnh chân dung; (15) Trích chọn vân tay; (16) Số thẻ Căn cước công dân (số định danh cá nhân).
(2) Sử dụng các thông tin hiển thị trên VNeID:
Công dân sử dụng tài khoản, mật khẩu đăng nhập ứng dụng VNeID trên thiết bị di động. Các thông tin căn cước công dân, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch của người dân.
Thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số căn cước công công dân; Họ và tên; Ngày sinh; Giới tính; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; căn cước công dân có giá trị đến; Đặc điểm nhận dạng; Ngày cấp, Số điện thoại.
(3) Các doanh nghiệp, tổ chức kết nối trực tiếp với hệ thống định danh xác thực điện tử của Bộ Công an để sử dụng xác thực điện tử tài khoản định danh điện tử của người dân.
6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an)
Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú). Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú.
Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho công dân khi giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để thực hiện thủ tục hành chính khi có yêu cầu. Mẫu giấy Xác nhận thông tin về cư trú (mẫu CT07 ban hành kèm Thông tư số 56/2021/TT-BCA) đã có đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về nơi cư trú của công dân, thông tin về chủ hộ, mối quan hệ của các thành viên trong hộ gia đình, cụ thể: (1) Số định danh cá nhân; (2) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (3) Ngày, tháng, năm sinh; (4) Giới tính; (5) Quê quán; (6) Dân tộc; (7) Tôn giáo; (8) Quốc tịch; (9) Nơi thường trú; (10) Nơi tạm trú; (11) Nơi ở hiện tại; (12) Họ tên chủ hộ, số định danh chủ hộ và Quan hệ với chủ hộ; (13) Họ, chữ đệm và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân của các thành viên hộ gia đình và quan hệ với chủ hộ.
7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an)
Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện cấp Thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người dân chưa được cấp CCCD trên toàn quốc để người dân sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân.
Các thông tin trên Thông báo số định danh cá nhân: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Giới tính; (4) Nơi đăng ký khai sinh; (5) Quê quán; (6) Dân tộc; (7) Tôn giáo; (8) Quốc tịch; (9) Tình trạng hôn nhân; (10) Nơi thường trú; (11) Nơi ở hiện tại; (12) Quan hệ với chủ hộ; (13) Nhóm máu; (14) Họ, chữ đệm và tên, của cha, mẹ; (15) Số định danh cá nhân.