Mất "lệnh bài" sổ hộ khẩu, phụ huynh lo trái tuyến, chuyển trường
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh lo lắng khi bỏ sổ hộ khẩu trong tuyển sinh đầu cấp, con mình sẽ bị giảm cơ hội vào những ngôi trường ưng ý theo tuyến và lo ngại việc chuyển trường...
Cách đây gần 10 năm, cháu trai của chị Lê Thu Lam khi đó mới hơn 3 tuổi được nhập tên vào hộ khẩu vào nhà chị ở quận 1, TPHCM. Cháu là con trai của chị T.H (chị gái chị Lam), khi đó có hộ khẩu ở quận 12, TPHCM.
Vì mong muốn cho con học ở quận 1 tại trường theo tuyến theo địa chỉ gia đình chị Lam nên chị H. chọn đi theo con đường nhập hộ khẩu cho con để chắc ăn.
Đến năm tuyển sinh vào lớp 1, cháu trai chị Lam được xét vào học tại một trường điểm theo tên trong hộ khẩu. Điều này càng cho chị Lam thấy sức mạnh của cuốn sổ hộ khẩu trong việc được xét tuyển đầu cấp.
Phải nói sổ hộ khẩu chính là cách "chắc ăn" nhất để học sinh được xét tuyển đúng tuyến. Lâu nay, sổ hộ khẩu là cơ sở quan trọng để các địa bàn phân tuyến trường học cho học sinh. Việc "khai tử" sổ hộ khẩu làm nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình có hộ khẩu ngay tại các khu vực trường điểm lo lắng cho việc tuyển sinh của con.
Chị Lê Thu Lam bày tỏ, năm học 2023-2024 con gái đầu của chị sẽ vào lớp 1. Nếu theo thủ tục xét sổ hộ khẩu như trước thì cháu chắc chắn có suất đúng tuyến vào một hai trường gần nhà, đều là trường điểm. Vậy nhưng, với việc bỏ sổ hộ khẩu, chị lo lắng con mình sẽ mất cơ hội trong tuyển sinh.
Lo lắng của người mẹ này cũng là tâm trạng của rất nhiều phụ huynh trước thông tin bỏ sổ hộ khẩu khi muốn con được học đúng tuyến theo hộ khẩu.
Ngày 13/1/2020, Quốc hội ban hành Luật Cư trú; Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021. Tại Khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú quy định: "Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022".
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng.
Người dân có thể sử dụng một số phương thức thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; sử dụng thiết bị đọc mã QR code trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp, sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân; tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia...
Anh Trần Minh Đức, ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết, năm 2013, trước khi mua nhà lấy vợ anh đã quan tâm đến yếu tố tìm trường học cho con. Anh chấp nhận ở khu vực trung tâm, giá nhà và mọi chi phí đắt đỏ để con được học trường tốt. Chính cuốn sổ hộ khẩu tại địa bàn là tấm "lệnh bài" bảo đảm cho con anh vào học ở ngôi trường mong muốn ngay cạnh nhà.
"Sắp tới con tôi một cháu vào lớp 1, một cháu vào lớp 6. Nếu theo cách xét sổ hộ khẩu như trước đây hai cháu đều sẽ vào học trường gần nhà, không có gì phải lăn tăn. Nhưng, bây giờ bỏ sổ hộ khẩu, tôi không biết con mình sẽ vào học ở trường nào, không biết các cháu sẽ "lạc" đi đâu?", ông bố bày tỏ.
Anh Đức cũng nói lên quan điểm cá nhân, chính sổ hộ khẩu là một trong những cách để ngăn việc học trái tuyến cũng như tình trạng chạy trường. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, anh lo ngại việc chạy trường, học trái tuyến.
Trước lo lắng của phụ huynh khi bỏ sổ hộ khẩu trong tuyển sinh lớp 1, lớp 6, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, TPHCM cho hay khi có thông tin bổ sổ hộ khẩu, Gò Vấp đã chuẩn bị các kế hoạch tuyển sinh để không gây xáo trộn, khó khăn cho phụ huynh.
Quận tuyển sinh trực tuyến để phụ huynh đăng ký, trong đó có mục cư trú. Phòng GD&ĐT dữ liệu này được gửi qua công an quận để xác minh, đối chiếu. Việc phân tuyến sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu đã được đối chiếu.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh nhấn mạnh, học sinh học trường nào sẽ do kế hoạch phân tuyến của quận, dựa vào địa chỉ thường trú không khác trước đây. Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần đăng ký đúng địa chỉ thường trú.
Tại quận 3, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận khẳng định, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo quy định không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Cơ bản vẫn là học sinh cư trú ở đâu thì sẽ học tại trường đóng tại nơi cư trú hoặc trường ở địa bàn lân cận.
Để có sự phân tuyến chính xác thì hội đồng tuyển sinh sẽ phân tuyến cụ thể cho từng học sinh căn cứ theo danh sách thống kê trẻ trong độ tuổi đến trường của các phường.
Vào khoảng tháng 3, các phường sẽ tổ chức việc rà soát, thống kê trẻ đến tuổi đi học, sau đó sẽ gửi về Phòng GD&ĐT. Căn cứ vào danh sách và số chỗ học của các trường, hội đồng tuyển sinh sẽ thực hiện phân tuyến và công bố danh sách phân tuyến về phường để địa phương phát giấy gọi học sinh đến trường vào tháng 6.
Tuy nhiên, một số quản lý giáo dục tại TPHCM chia sẻ, họ vẫn đang trong trạng thái "chờ", chưa đánh giá được sự ảnh hưởng của việc bỏ sổ hộ khẩu trong tuyển sinh đầu cấp vì hiện chưa có kế hoạch tuyển sinh.
Hàng năm, thường vào tháng 3, UBND TPHCM sẽ chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp.