"Khai tử" sổ hộ khẩu giấy, tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 ra sao?
(Dân trí) - Sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục bắt buộc khi học sinh nộp hồ sơ vào đầu cấp. Phụ huynh băn khoăn, việc "khai tử" hộ khẩu giấy có ảnh hưởng ra sao đến tuyển sinh?
Năm học tới, anh Nguyễn Trung Dũng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con vào lớp 1.
Theo quy định, từ ngày 1/1, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng nên anh Dũng băn khoăn việc đăng ký tuyển sinh vào lớp 1 cho con sẽ ra sao?
Các trường sẽ căn cứ vào đâu để phân tuyến tuyển sinh bởi theo quy định trước đây, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục bắt buộc khi học sinh nộp hồ sơ vào đầu cấp.
Trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ công an trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy giúp giảm giấy tờ cho công dân và hiện đại hóa quản lý cư trú.
Ví dụ, khi làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, thay vì phải photo, công chứng xuất trình nhiều giấy tờ liên quan thì người dân có thể chỉ cần sử dụng mã số định danh hoặc thẻ căn cước công dân gắn chip.
Nhờ vậy, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo đó, sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú chỉ là hình thức quản lý bằng giấy tờ và khi Luật Cư trú có hiệu lực thì chuyển sang hình thức quản lý bằng số hóa.
Điều này đồng nghĩa mọi thông tin cư trú và quan hệ trong hộ gia đình đều cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
Tương tự, việc đăng ký tuyển sinh ở các trường cũng được thực hiện trên máy tính sau khi nguồn dữ liệu phân bổ cho giáo dục được đẩy về cho các trường.
Trường hợp đủ điều kiện nhập khẩu về Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ không cấp sổ hộ khẩu nữa mà cập nhật thông tin trên hệ thống và cấp giấy thông báo kết quả.
Theo đó, người dân có thể yêu cầu nhà trường khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp, nhà trường chưa đảm bảo việc khai thác cơ sở dữ liệu, người dân sẽ trình giấy thông báo kết quả nêu trên để xin học cho con.
Như vậy, việc "khai tử" hộ khẩu giấy không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, quy định phân tuyến học sinh vào lớp 1, lớp 6 bởi tất cả được cập nhật cụ thể trên mạng.
Theo một số nhà quản lý giáo dục, lâu nay chúng ta đang phân tuyến theo hướng học sinh cư trú ở đâu thì học tại trường đóng tại nơi cư trú hoặc trường ở địa bàn lân cận.
Để có sự phân tuyến chính xác, hội đồng tuyển sinh sẽ phân tuyến cụ thể cho từng học sinh căn cứ theo danh sách thống kê trẻ trong độ tuổi đến trường của các phường.
Cô Nguyễn Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, năm học này nhà trường dự kiến tuyển sinh hơn 300 học sinh vào lớp 1.
Hiện nhà trường chưa nhận được hướng dẫn từ Sở GD&ĐT về việc tuyển sinh như thế nào khi bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy nhưng theo cô Thu, việc tuyển sinh sẽ không ảnh hưởng, ngược lại phụ huynh sẽ được giảm thủ tục giấy tờ đáng kể.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội cũng chia sẻ, hiện nhà trường chưa nhận được hướng dẫn từ Sở GD&ĐT.
Tuy nhiên theo thầy giáo này, phụ huynh không nên lo lắng vì việc bỏ sổ hộ khẩu giúp quy trình tuyển sinh giảm bớt những thủ tục có tính hành chính và sẽ không ảnh hưởng đến việc học của con em mình.