1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Bộ GTVT cần sửa đổi các quy định để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa chỉ rõ nhiều quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính ở Bộ GTVT gây phiền hà, bức xúc, mất thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công khai Kết luận thanh tra số 362/KL-TTCP về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ GTVT cần sửa đổi các quy định để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp - 1

Kết luận thanh tra tại Bộ GTVT vừa được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký ban hành và công bố công khai (Ảnh: Quỳnh Anh).

Kết luận chỉ rõ Bộ GTVT không thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động đối với thủ tục hành chính tại 3/46 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (chiếm 6,5%) trước khi gửi thẩm định; không tổng hợp đánh giá kết quả rà soát thủ tục hành chính định kỳ hàng năm.

Bộ GTVT chậm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; chưa thực thi đầy đủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng.

"Ban hành Thông tư số 08/2022 chưa thống nhất, đồng bộ giữa các điều khoản, dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính", kết luận nêu.

Cơ quan thanh tra phát hiện Bộ GTVT không thực hiện đầy đủ việc công bố đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền vận chuyển hàng không; công bố không đầy đủ thông tin với thủ tục hành chính cấp/cấp lại giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động; nội dung công bố chưa cụ thể.

Bộ GTVT ban hành Thông tư số 01/2021 làm phát sinh thêm yêu cầu đối với thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định, vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015 trong đó có quy định mẫu giấy khám sức khỏe của người lái có chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở" không cần thiết dẫn đến gây bức xúc và tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp mới/cấp đổi giấy phép lái xe", Thanh tra Chính phủ thẳng thắn.

Chỉ tiêu số hóa các năm 2021-2022 tại Bộ GTVT cũng bị đánh giá "chưa đáp ứng lộ trình của Chính phủ", là một trong những nguyên nhân dẫn đến thủ tục hành chính chưa thể thực hiện đồng bộ trên môi trường điện tử, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam không ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Một số đơn vị của Bộ GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) tiến hành quy trình xem xét hồ sơ trước khi làm thủ tục tiếp nhận; không cập nhật, đăng tải thông tin tiếp nhận lên hệ thống thông tin một cửa điện tử, không đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Các đơn vị này còn chưa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử, theo thanh tra, chưa thực hiện đúng quy định của Chính phủ.

"Không có sự điều hành thực hiện công việc riêng biệt giữa công tác văn thư, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, dẫn đến không cập nhật được tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đó là một trong những nguyên nhân không kiểm soát được tiến độ giải quyết hồ sơ, làm quá hạn giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền hà, bức xúc, mất thời gian cho người dân và doanh nghiệp", kết luận thanh tra nêu thực trạng.

Bộ GTVT cần sửa đổi các quy định để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp - 2

Trụ sở Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT (Ảnh: Công Thương).

Không những vậy, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam giải quyết thủ tục hành chính đối với một số hồ sơ quá hạn so với quy định, chưa thực hiện ký số, không thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân. Công chức tại Bộ phận một cửa chưa hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn bị hồ sơ, kê khai theo đúng quy định.

Thậm chí, các đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam còn từ chối giải quyết thủ tục hành chính đặt tên tàu biển của tổ chức, cá nhân với lý do không rõ ràng hoặc không nêu lý do; thực hiện không đúng hướng dẫn, thông báo cho cá nhân, tổ chức mà từ chối ngay đơn đề nghị đặt tên tàu biển của người dân, doanh nghiệp.

"Bộ GTVT chưa liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu, chưa đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, thực hiện không đúng quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quy định tại Luật Cư trú. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đối với việc đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia chậm tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chưa tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp", bất cập được nêu rõ trong kết luận thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị, yêu cầu Bộ GTVT rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

"Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm nêu trên", cơ quan thanh tra yêu cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm