1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bến Tre:

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử

(Dân trí) - Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt đang khiến 60.000 hộ dân tại tỉnh Bến Tre phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn. Trong khi đó, nước ngầm tầng nông từ các giồng cát cũng đang cạn dần.

Ông Nguyễn Văn Hưng, ngụ ấp 2 (xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) có thâm niên hơn 20 năm dùng xe công nông kéo theo chiếc bồn chở nước bán cho bà con trong vùng hạn, mặn. Nguồn nước chủ yếu lấy từ giếng khoan tầng nông ở các giồng cát. Tuy nhiên, chưa năm nào như năm nay, nguồn nước ở các giếng này đã bắt đầu cạn dần.

Khai thác nước ngầm trong mùa hạn, mặn

Ông Hưng cho biết: “Nhiều năm liền tôi mua nước từ một hộ dân có mạch nước ngầm ở khu vực nhà thờ (ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại) để chở đi bán cho các hộ dân có nhu cầu. Tuy vậy, năm nay mới đầu mùa mà giếng này đã bắt đầu cạn, lượng nước thu được rất ít”.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 1

Giếng tầng nông phục vụ sinh hoạt tại xã An Hòa Tây (Ba Tri, Bến Tre)

Theo ông Hưng, bình thường chủ giếng sẽ bơm nước từng giếng tầng nông chỉ khoảng 6 m rồi cho vào bể lắng lại để xe đến chở đi tiêu thụ. Năm nay mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt nên giếng này đã lấy nước sớm, số lượng nhiều nên giờ chẳng còn bao nhiêu. Ông Hưng cho biết thêm: “Bình thường có thể chở nước suốt ngày từ giếng tầng nông này nhưng hiện nay chỉ chở được buổi sáng thì hết nước nên buổi chiều phải nghỉ để chờ mạch nước ngầm tiếp tục tiết ra nước. Tình hình này không biết mai mốt còn nước để chở hay không”.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 2

Giếng nước lộ thiên đã gần cạn tới đáy

Do nước ngọt tầng nông giờ đã khan hiếm nên giá cũng rất đắt đỏ. Bình quân mỗi m3 nước ngọt người dân phải trả từ 70 đến 80 ngàn đồng, cá biệt có nơi xa giá lên đến 150 ngàn đồng. Vì vậy người dân cũng xài nước rất tiết kiệm cho qua mùa khô hạn khốc liệt.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 3

Những giếng lộ thiên được lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô hạn

Tại địa bàn huyện Ba Tri (Bến Tre) có nhiều hộ dân tìm mạch nước ngầm khoan tầng nông để lấy nước ngọt bán. Ông Mai Thanh Phong (ngụ ấp 1, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri) cho biết: “Hiện tại đang vào cao điểm cung ứng nước ngọt cho bà con trong vùng. Giếng nước tấng nông của tui giờ sản lượng nước cũng giảm chỉ còn hơn 10 m3 mỗi ngày nhưng có bao nhiêu chở đi tiêu thụ bấy nhiêu”.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 4

Người dân dùng đường ống hút nước ngầm lên sử dụng tưới hoa màu

Nước ngọt khan hiếm và không phải nơi nào cũng có nên nhiều hộ dân tranh thủ tìm mạch nước ngầm để khoan giếng dùng trong sinh hoạt, chăn nuôi và bán cho những vùng khác. Tại giồng cát ấp An Phú 2 (xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có rất nhiều hộ khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bà Nguyễn Thị Đep, người dân ấp An Phú 2 cho biết: “Ở đây nhờ có giồng cát với mạch nước ngầm nên gia đình nào cũng tranh thủ khoan giếng lấy nước lên phục vụ sinh hoạt và tưới hoa màu trong màu khô hạn này”. Theo những người dân địa phương, hiện tại, nước vẫn còn nhưng khai thác quá mức có khả năng sẽ cạn kiệt.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 5

Xe chở nước ngầm đi tiêu thụ ở huyện Ba Tri (Bến Tre)

Ngoài ra, tại xã An Hòa Tây có rất nhiều giếng rất to được người dân đào lộ thiên để lấy nước ngầm. Trong đó, nhiều giếng đã cạn tới đáy trong mùa khô hạn năm nay. Ông Mạc Văn Hoàng, cán bộ nông nghiệp xã An Hòa Tây cho biết: “Nguồn nước ngầm giờ cũng hiếm nên người dân sử dụng rất tiết kiệm. Ở những giếng lộ thiên trước đây người trồng hoa mùa dùng máy dể bơm lên tưới còn bây giờ rất nhiều người gánh để tưới ngay gốc cây nhằm tiết hiệm nước”.

Theo ông Hoàng, về lâu về dài phải có giải pháp để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước ngầm nếu không sẽ bị cạn kiệt khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Hiện địa phương đã vận động, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngầm bằng cách: tới mua mưa sẽ sử dụng những ao, hồ chứa nước mưa nhằm không cho nước trôi hết ra sông. Lượng nước này tích tụ lại đến mùa nắng có khô thì cũng thấm xuống lòng đất để người dân lấy lên xài từ từ.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 6

Nguồn nước ngầm cạn kiệt nên mùa này ông Hưng không có đủ nước để cung cấp cho các hộ dân

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre cho biết: “Toàn tỉnh có 165 xã thì chỉ còn 4 xã không bị xâm nhập mặn. Nước ngọt thiếu trầm trọng nên phải dùng xe bồn, xa của cảnh sát phòng cháy chữa cháy cung ưng cho các trường học, bệnh viện... Nhiều người dân phải khoan giếng tầng nông để lấy nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt”.

Nước ngầm cũng cạn kiệt do hạn, mặn lịch sử - 7

Người dân Bến Tre lấy nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm ở tầng nông về lâu về dài sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khi cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây sụt lún, lở đất… Sắp tới tỉnh Bến Tre có kế hoạch xây dựng các hồ chứa, điểm trữ nước ngọt… để phục vụ người dân trong mùa, hạn mặn.

Minh Giang