Bộ Công an nghiên cứu xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân

(Dân trí) - Theo tính toán của đơn vị tư vấn cho Bộ Công an, nếu xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân thì giá thành bình quân một chiếc thẻ sẽ giảm từ 52.000 đồng hiện nay xuống còn khoảng 35.000 đồng.

Hội thảo về thẻ căn cước công dân do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức hôm qua tại Hà Nội (Ảnh: T.S)
Hội thảo về thẻ căn cước công dân do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức hôm qua tại Hà Nội (Ảnh: T.S)

Tại cuộc Hội thảo công nghệ lưu trữ thông tin và xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân do Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an tổ chức hôm qua (20/10), Trung tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, Chính phủ và Bộ Công an đang tính tới phương án xã hội hóa việc sản xuất thẻ Căn cước công dân. Việc này xuất phát từ quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Dự án cấp chứng minh nhân dân (hiện nay là thẻ Căn cước công dân) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Tổng cục Cảnh sát đã cấp khoảng 4,2 triệu Chứng minh nhân dân mới/thẻ Căn cước công dân 12 số, có mã vạch bảo mật 2 chiều ở 16 địa phương trên cả nước.

“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an sẽ tổng kết, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án để chỉ rõ những mặt ưu điểm và nhược điểm; từ đó tính toán những phương án tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước còn khó khăn về ngân sách”- Tướng Vệ nói.

Dự kiến từ năm 2020, cả nước sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân. Khi đó, Việt Nam sẽ áp dụng thẻ Căn cước công dân với công nghệ mã vạch như hiện hành hay sử dụng thẻ có gắn chíp điện tử - xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng thì Bộ Công an đang phải xin ý kiến góp ý của các bộ ngành liên quan.

Lý giải điều này, ông Vệ cho biết mức đầu tư của thẻ Căn cước công dân gắn chíp lớn gấp 3 lần thẻ căn cước có mã vạch. Khi chưa tích hợp được các loại giấy tờ khác vào thẻ nên Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết Quyết định 446/2004 phê duyệt dự án theo phương án thẻ Căn cước công dân mã vạch. Đến nay, để triển khai Luật Căn cước công dân, Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu về công nghệ thẻ và xây dựng dự án thẻ căn cước.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định thẻ Căn cước công dân nếu được gắn chíp điện tử sẽ có nhiều ưu điểm hơn, lượng thông tin lữu trữ lớn gấp 200 lần so với thẻ căn cước mã vạch. Ngoài ra, việc nhận diện về sinh trắc học (vân tay, quét võng mạc) hay gắn nhiều ứng dụng của dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm… sẽ đảm bảo tốt hơn. Tuy vậy, rào cản lớn nhất chính là chi phí đầu tư khá lớn.

Thẻ Căn cước công dân.
Thẻ Căn cước công dân.

TS Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị đang tư vấn cho dự án của Bộ Công an) cho rằng, toàn bộ việc đầu tư máy móc, lắp đặt, vận hành sản xuất thẻ Căn cước công dân hiện nay đều được thực hiện tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên trong quá trình vận hành đã bộc lộ nhiều nhược điểm lớn như đầu tư các máy móc thiết bị ban đầu rất lớn, bình quân một chiếc máy in cá thể hóa khoảng 15 tỉ đồng, chưa kể các loại máy móc kèm theo như máy ép, cắt, vật tư tiêu hao và các linh kiện thay thế.

Với quy mô 100 triệu dân khi áp dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra khoảng 5.000 tỉ đồng, chưa kể phải đầu tư hàng nghìn tỉ vào mua sắm máy móc thiết bị hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt từ Trung ương xuống địa phương. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam chưa có đủ hành lang pháp lý cho phép liên thông dữ liệu giữa thẻ Căn cước công dân với các loại thẻ khác của bảo hiểm xã hội, ngân hàng...

“80% dân số Việt Nam vẫn đang sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhu cầu sử dụng loại thẻ này không nhiều nên việc áp dụng thẻ gắn chíp không mang lại hiệu quả. Giải pháp là tiếp tục sử dụng công nghệ hiện hành để phát huy cơ sở hạ tầng sẵn có và định hướng sẵn sàng nâng cấp công nghệ”- ông Thắng nêu quan điểm.

Với đề xuất xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân, TS Nguyễn Trường Thắng khẳng định, Nhà nước sẽ không mất khoản tiền đầu tư máy móc thiết bị ban đầu, nhu cầu thẻ bao nhiêu sẽ làm bấy nhiêu. Tuy vậy các chuyên gia lo ngại thẻ Căn cước công dân chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, nếu không có bảo mật tốt thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước.

Đại diện Cục Cảnh sát Đăng ký, Quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát) cũng nhấn mạnh, dự án mà Bộ Công an đang xây dựng hiện nay được thiết kế theo phương án mở, cho phép nâng cấp từ thẻ Căn cước công dân mã vạch hai chiều lên thành thẻ chíp khi điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp.

Chốt lại cuộc họp, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp tục tham vấn các bên liên quan trước khi hoàn thiện đề án về cấp thẻ Căn cước công dân trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Thế Kha