1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Công an đề xuất xử lý người không tố giác hành vi đốt pháo trái phép

(Dân trí) - Đây là một trong nhiều nội dung mới được Bộ Công an đề xuất khi hoàn thành Dự thảo xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng pháo, nhằm thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP.

Bộ Công an đề xuất xử lý người không tố giác hành vi đốt pháo trái phép - 1

Hình ảnh xác pháo "đỏ đường" do một đối tượng đốt tại đám cưới trên địa bàn TP Hà Nội, vừa được cơ quan công an phát hiện để xử lý.

Bộ Công an đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian 2 tháng, đối với Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định này nhằm mục đích thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.

Theo Bộ Công an, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 36, công tác quản lý, sử dụng pháo đã đạt được những kết quả quan trọng. Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn, kiềm chế.

Hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đẩy mạnh… Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 19.229 vụ, 23.703 đối tượng, thu hơn 369 tấn pháo các loại.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định số 36 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng công tác quản lý về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

“Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP còn chưa đầy đủ. Nhiều hành vi liên quan đến pháo hiện nay gây nguy hiểm cho xã hội nhưng lại chưa được quy định. Chưa quy định cụ danh mục các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng tại Việt Nam, nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo” - dự thảo dẫn chứng.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, sử dụng pháo, đặc biệt là xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, Bộ Công an đã xây dựng Dự thảo Nghị định mới gồm 4 Chương, 28 Điều.

Trong đó sẽ quy định về quản lý, sử dụng pháo và pháo hiệu; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, một trong các hành vi mới được Bộ này đề xuất để xử lý nghiêm là: "Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép".

Đồng thời, các khái niệm về pháo nổ, pháo hoa gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ cũng được giải thích rõ ràng, cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xử lý.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định mới cũng nêu ra trình tự, thủ tục về việc quản lý, bảo quản, tiêu hủy pháo. Những nội dung này chưa được quy định trong Nghị định 36/2009/NĐ-CP, dù hàng năm, công an các đơn vị và địa phương đều thu giữ số lượng pháo lớn.

Nguyễn Trường