1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Bình Dương nhập khẩu cát từ Campuchia về phục vụ dự án Vành đai 3 TPHCM

Phạm Diện

(Dân trí) - Trước vấn đề thiếu cát san lấp, đắp nền đường tại gói xây lắp 3 của dự án Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương, đơn vị thi công đã nhập khẩu cát từ Campuchia về để phục vụ dự án.

Ngày 28/8, thông tin từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương (BQL), trước vấn đề thiếu cát san lấp, đắp nền đường tại gói xây lắp 3 (đoạn từ Bình Chuẩn, TP Thuận An đến sông Sài Gòn) dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, đơn vị đã đôn đốc các nhà thầu khẩn trương tìm kiếm thêm nguồn cát san lấp phục vụ thi công.

Theo BQL, trong 3 gói thầu xây lắp của dự án, gói thầu xây lắp 3 sử dụng đắp nền đường bằng cát, các gói thầu còn lại sử dụng vật liệu đắp nền đường bằng đất. Nguyên nhân do địa chất đoạn từ Bình Chuẩn ra sông Sài Gòn nằm trên vùng đất yếu, thường xuyên ngập nước. Thời gian qua, gói thầu xây lắp 3 dự án thành phần 5 chủ yếu sử dụng nguồn cát thương mại.

Bình Dương nhập khẩu cát từ Campuchia về phục vụ dự án Vành đai 3 TPHCM - 1

Công nhân thi công tại nút giao cầu Bình Gởi, TP Thuận An (Ảnh: Phạm Diện).

Nhà cung ứng lấy cát từ các mỏ ở tỉnh Bến Tre, Hậu Giang… Tuy nhiên, nguồn cung cấp cát từ các tỉnh này thường xuyên bị gián đoạn, không ổn định dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm.

Lãnh đạo điều hành dự án gói thầu xây lắp 3 cho biết, ngoài lượng cát trong nước, đơn vị thi công nhập khẩu nguồn cát từ Campuchia, tuy vậy hiện giá nhập khẩu cát từ thị trường này rất cao so với dự toán ban đầu. Đơn vị thi công đang làm việc với 3 đơn vị cung cấp nguồn cát từ Campuchia để đẩy nhanh tiến độ cung cấp cát san lấp.

Bình Dương nhập khẩu cát từ Campuchia về phục vụ dự án Vành đai 3 TPHCM - 2

Đơn vị thi công tại gói thầu xây lắp 3 nhập khẩu cát từ Campuchia về để phục vụ dự án (Ảnh: Phạm Diện)

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng diện tích đất thu hồi bổ sung khoảng 79,93ha, ảnh hưởng đến khoảng 1.529 trường hợp. Đến nay, tổng diện tích thu hồi đất của dự án đạt 90,9%; đã phê duyệt phương án bồi thường đạt 88,3%; bàn giao mặt bằng cho các gói thầu đạt tỷ lệ 70,6%...

Trước đó, ngày 22/8, Ban Thường vụ Thành ủy Thuận An đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cùng đoàn công tác của tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị 7 tháng đầu năm.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị TP Thuận An bằng mọi giải pháp phải bàn giao mặt bằng tại dự án Vành đai 3 TPHCM trong tháng 9.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Bình Dương dài hơn 26km, trong đó 15,3km trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã đưa vào sử dụng với quy mô 6 làn xe. Đoạn còn lại gần 11km được Bình Dương gấp rút triển khai xây dựng.

Trong đó, đoạn qua TP Thuận An dài hơn 7km, đi qua 4 xã, phường gồm: phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Thạnh và xã An Sơn.

Tổng số hồ sơ đã kiểm kê 1.423 hồ sơ, tổng diện tích đất của dự án 73,11ha. Khái toán chi phí bồi thường cho cả dự án 4.400 tỷ đồng, trong đó bồi thường về đất 3.909 tỷ đồng; bồi thường tài sản trên đất 491 tỷ đồng.

Lũy kế tổng số phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đến nay 34 đợt (24 đợt chính và 10 đợt bổ sung) với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ/1.628 hồ sơ. Tổng số tiền đã chi 3.772,563 tỷ/1.551 hồ sơ, đạt 92,72% tổng số tiền đã phê duyệt và đạt 85,74% tổng chi phí bồi thường của cả dự án. Còn lại 295,835 tỷ/77 hồ sơ.