1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định: 64 hộ dân chờ di dời, sống bất an dưới chân núi Cấm

Doãn Công

(Dân trí) - Gần 3 năm từ ngày tỉnh Bình Định có chủ trương di dời 64 hộ dân ở vùng sạt lở núi Cấm, đến nay hàng trăm nhân khẩu nơi đây vẫn chờ đợi và sống bất an dưới chân núi.

Cuối năm 2021, sau những trận mưa lớn, khu vực núi Cấm nằm trên địa bàn thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) bị sạt lở nghiêm trọng.

Ước tính có khoảng 35.000m3 đất, đá từ trên núi Cấm đổ xuống, lấp kín vườn, tràn vào nhà, uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân dưới chân núi.

Bình Định: 64 hộ dân chờ di dời, sống bất an dưới chân núi Cấm - 1

Núi Cấm bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng, tài sản của 117 hộ dân (Ảnh: Doãn Công chụp tháng 11/2021).

Sau đó, Bình Định công bố tình huống khẩn cấp thiên tai tại thôn Chánh Thắng về sạt lở núi Cấm.

Năm 2022, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương, giao UBND huyện Phù Cát đầu tư khu tái định cư, di dời khẩn cấp 64 hộ dân ở khu vực núi Cấm, tổng vốn 32 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2023.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản đồng ý để UBND huyện Phù Cát bố trí, ổn định dân cư đối với 64 hộ dân vùng sạt lở núi Cấm. Tuy nhiên, đến nay, 64 hộ dân vẫn chưa được bố trí tái định cư dù mùa mưa bão đã cận kề.

Ông Bùi Thìn (73 tuổi), nhà ngay chân núi Cấm chưa hết ám ảnh khi kể lại cảnh núi sạt lở, khiến dân làng phải bỏ nhà chạy đến trường học để lánh nạn.

Bình Định: 64 hộ dân chờ di dời, sống bất an dưới chân núi Cấm - 2

Hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Cấm, gần điểm sạt lở năm 2021 (Ảnh: Doãn Công chụp tháng 9/2024).

"Vừa rồi, xem ti vi thấy các tỉnh phía Bắc bị sạt lở rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cả người và tài sản. Bây giờ mà thấy mưa to, gió lớn người dân chủ động đề phòng lo đi tìm nơi lánh nạn chứ không phải chờ chính quyền địa phương đến vận động", ông Thìn lo lắng.

Ông Thìn cũng kiến nghị nếu di dời, nhà nước cần tính toán, hỗ trợ đủ để người dân xây được nhà khi chuyển đến nơi tái định cư.

"Vợ chồng tôi giờ tuổi đã cao, tiền bạc không có dư. Hơn nữa, bây giờ già yếu muốn làm nhà mới, toàn bộ phải thuê nhân công, nếu di dời mà không đủ tiền xây nhà sẽ rất khó khăn", ông Thìn nói thêm.

Có nhà nằm ngay khu vực sạt lở cũ núi Cấm, bà Đỗ Thị Thoa (78 tuổi), nói: "Bà con ở đây ai cũng lo lắng, sợ mưa lớn sẽ tiếp tục sạt lở, không biết ngõ nào mà chạy. Nghe bảo nhà nước sẽ bố trí tái định cư, nhưng đến nay tôi chưa thấy nói gì về việc di dời nên mùa mưa đến lại sợ sạt lở núi".

Bình Định: 64 hộ dân chờ di dời, sống bất an dưới chân núi Cấm - 3

Dù mùa mưa bão cận kề nhưng đến nay khu tái định cư tập trung cho 64 hộ dân ở núi Cấm vẫn chưa hoàn thành (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát, việc chậm di dời tái định cư cho 64 hộ dân vùng sạt lở núi Cấm là do phải tính toán các phương án bồi thường và kinh phí bồi thường gặp khó khăn.

"Dự kiến, cuối năm nay (2024) sẽ di dời các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở núi Cấm đến khu tái định cư tập trung. Còn trong mùa mưa bão này, UBND huyện đã có phương án phòng, chống thiên tai", ông Luận nói.

90 điểm nguy cơ sạt lở vào mùa mưa

Theo UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 90 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó 15 điểm nguy cơ sạt lở cao.

Các vùng núi và ven sông ở Bình Định luôn là những "điểm nóng" có thể gây sạt lở đất, đá nghiêm trọng, như: huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, hay một số khu vực cao ở thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Cát, cần được giám sát đặc biệt.

Để đối phó với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xây dựng phương án di dời dân tại chỗ; lập danh sách các điểm kiên cố để di dời dân đến tránh trú khi có thiên tai xảy ra, chủ yếu là trường học, trụ sở thôn, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở tôn giáo.