1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Biển “nuốt” gần một nửa diện tích đất trên đảo Lý Sơn

(Dân trí) - Sau hơn 30 năm, gần một nửa diện tích đất trên đảo Lý Sơn đã trở thành mặt biển do thủy triều xâm thực cộng với việc khai thác cát trồng hành tỏi thiếu khoa học. Trước thực trạng đó địa phương đã phải tính đến phương án xây kè bảo vệ đảo tiền tiêu.

 

 

Biển “nuốt” gần một nửa diện tích đất trên đảo Lý Sơn - 1

Việc người dân ồ ạt khai thác cát trồng tỏi được cho là một trong những nguyên nhân khiến đảo Lý Sơn bị mất đất

 

Sáng 8/12, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết do quá trình xâm thực nặng của thủy triều và nhằm phát triển kinh tế địa phương, huyện Lý Sơn đã lập đề án trình UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng đê chắn sóng.

 

Theo ông Nguyên, đê chắn sóng có tổng chiều dài 5,4km chạy dọc theo hai xã An Hải và An Vĩnh (thuộc phía Tây Bắc của đảo) với tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng. Khi đi vào sử dụng đê chắn sóng sẽ giảm thiểu nạn xâm thực của triều cường, chống bão, sạt lở nhằm giữ đảo và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là trong du lịch và cơ động về an ninh quốc phòng.

 

Nạn xâm thực của triều cường đã “nuốt chửng” gần một nửa diện tích đất trên đảo Lý Sơn so với 40 năm trước. Theo ông Nguyên những tài liệu để lại cho thấy đầu năm 1970 diện tích đất trên đảo Lý Sơn là 1.400 hecta nhưng đến nay chỉ còn 997 hecta. Chỉ tính riêng trong năm 2010, biển đã “ngoạm” gần 15 hecta đất trồng hành, tỏi của người dân trên đảo.

 

Đảo Lý Sơn được hình thành từ 5 miệng núi lửa. Chỉ có khoảng 3km được vây bọc bằng đá, chu vi còn lại đều bằng đất và cát. Ở phía đông bắc của đảo, cạnh khu vực Hang Câu thuộc xã An Hải, toàn bộ 6 hecta đất ở đây đã bị thủy triều “dọn sạch” trong bão số 9/2009. Số gia đình chuyên trồng tỏi khu vực này giờ trắng tay vì không còn đất để canh tác.
 
Biển “nuốt” gần một nửa diện tích đất trên đảo Lý Sơn - 2
Bờ kè phía Nam đảo Lý Sơn thi công giúp ngăm được sóng biển tránh bị thủy triều “lấy đất”

 

Cách đây chừng 10 năm, số gia đình trồng tỏi vẫn thường ra khu vực Hang Câu để lấy cát biển về rải lên ruộng tỏi trước khi trồng vụ mới. Cát ở  khu vực này là thân của những con ốc, con sò đã hóa thạch nên rất hợp với cây tỏi, chính nó làm nên hương vị rất đặc thù của tỏi Lý Sơn.

 

Cứ mỗi mùa tỏi, người dân lại khai thác cát ồ ạt khiến bờ biển bị “hỏng chân”, tạo  điều kiện cho thủy triều thâm nhập nhanh hơn. Huyện Lý Sơn đã ra văn bản cấm khai thác cát khu vực này. Dù việc khai thác cát để trồng tỏi đã chấm dứt 5 năm nay nhưng diện tích đất khu vực này vẫn mất mỗi năm 2-3 hecta.  

 

Theo một số người dân trên đảo, nguyên nhân Lý Sơn thu hẹp diện tích là do hàng ngàn người dân thi nhau hút cát từ biển để trồng tỏi dẫn đến việc thủy triều vào, kéo theo đất sạt lở ra biển.

 

“Để khắc phục tình trạng trên, những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí của trung ương và địa phương, một bờ kè chạy dọc phía Nam đảo đã được xây dựng. Nhờ vậy, trên 1 vạn dân được bảo vệ. Nếu bờ kè mới theo đề xuất của huyện được đáp ứng và triển khai xây dựng, 80% diện tích đảo Lý Sơn chạy dọc ven biển sẽ đươc bảo vệ” - ông Nguyên nói.

 

Trước đó năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư 200 tỉ đồng xây dựng đê chắn sóng ở phía Đông Nam của đảo và đã hoàn thành.

 

Hữu Trí