1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bị tù oan, một nông dân 17 năm mang đơn đi kiện

(Dân trí) - Một nông dân “bỗng dưng” bị bắt, bị đưa ra xét xử. Hai phiên sơ thẩm, phúc thẩm ở Hải Phòng đều kết tội ông “trộm cắp tài sản” phải ngồi tù hơn 2 tháng. 10 năm sau một phiên tòa khác diễn ra tuyên ông vô tội.

Tuy ông chỉ ngồi tù 2 tháng 10 ngày (70 ngày) song trong thời gian ông ở tù, một loạt sự kiện xảy đến với gia đình ông như bị chính quyền tịch thu hết thóc lúa vừa gặt, nhà bị cháy khiến cả gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Dù sau này ông được minh oan nhưng những cán bộ từng gây nên án oan cho ông chẳng ai bị kỷ luật, thậm chí còn được thăng chức. Quá bất bình, suốt 17 năm qua ông vác đơn đi kiện.

Đi tù vì gặt lúa trên… ruộng của mình

“Tôi mệt mỏi lắm rồi, gần 20 năm kêu cứu rồi mang đơn đi kiện khắp nơi nhưng tới nay kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh” - Ông Nguyễn Hồng Cầu ở thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng thở dài ngao ngán khi cầm xấp đơn từ trao cho phóng viên.

Vụ án hình sự của ông xảy ra từ năm 1997 xuất phát từ những nguyên nhân rất… dân sự.

Từ năm 1994, ông Nguyễn Hồng Cầu được UBND huyện Tiên Lãng giao quyền sử dụng 3.040m2 đất để sản xuất nông nghiệp với thời hạn 20 năm. Ông Cầu cùng các hộ gia đình khác đang cấy lúa bình thường thì vào vụ chiêm năm đó, UBND xã Đông Hưng lại giao khu vực chiêm trũng nằm giữa những mảnh ruộng cho một chủ nuôi cá là ông Nảy. Khi luá của gia đình ông Cầu và các hộ khác đang vào thì đổ bông, những đàn cá trắm cỏ, cá trôi của ông Nảy theo con nước tràn lên những mảnh ruộng, phá sạch lúa của các hộ dân. Những hộ dân trong đó có ông Cầu khiếu nại lên UBND xã Đông Hưng. Trước sự chứng kiến của chính quyền xã, ông Nảy (chủ nuôi cá) đã đồng ý bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại do cá ăn. Tuy vậy, sau thỏa thuận đó ông Nảy không bồi thường cho các hộ dân.

Cá ăn hết lúa, không được bồi thường, ông Nguyễn Hồng Cầu cho rằng UBND xã Đông Hưng chưa giải quyết xong vụ việc cá ăn lúa của gia đình ông (tương đương 240 kg thóc) nên năm 1996 ông phản ứng lại bằng cách nợ đọng sản phẩm 97 kg thóc (gồm thóc thủy lợi phí, thóc quỹ dịch vụ nông nghiệp và thóc thổ cư dư thừa).

Phản ứng này lập tức khiến ông Cầu “lĩnh hậu quả”. Ngày 15/1/1997, UBND xã Đông Hưng ra quyết định tạm rút 1.080m2 đất của gia đình ông Cầu. Cùng với ông Cầu, 11 hộ gia đình khác vì việc nợ đọng sản phẩm cũng đồng loạt bị rút đất sản xuất để giao cho người khác.

Bỗng dưng bị xã rút đất sản xuất do Nhà nước cấp, mất đi nguồn sống, 11 hộ dân trong đó có ông Cầu viết đơn kiến nghị lên UBND xã Đông Hưng. Tuy vậy, các “quan xã” vẫn kiên quyết thu hồi đất.

Gia đình ông Cầu hơn 17 năm đi kiện

Gia đình ông Cầu hơn 17 năm đi kiện

1.080m2 đất nông nghiệp của ông Cầu ngay sau đó đã được giao cho anh Phạm Minh Tuân dù trước đó ông Cầu đã cày, bừa, chuẩn bị gieo cấy. 11 hộ nông dân khác cùng bị thu hồi đất như ông Cầu đành ngậm ngùi chịu mất đất. Riêng ông Cầu “cứng đầu” nhất định không chịu. Thấy anh Tuân gieo cấy lúa trên diện tích đất của mình vừa cày bừa, ông Cầu nói với anh Tuân phải trả công cày bừa cho mình nhưng anh Tuân không nghe. Bực mình, ông Cầu nói nếu không trả tiền thì sẽ gặt lúa.

Tới ngày 25/5/1997, ông Cầu cùng gia đình đã gặt lúa trên mảnh đất này mang về nhà. Ngay ngày hôm sau, một đoàn cán bộ gồm đại diện chính quyền, công an xã rầm rập kéo đến nhà ông. Không một lệnh bắt, chẳng một lời công khai tuyên bố nguyên nhân, ông Cầu bị đưa lên trụ sở UBND xã. Lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hồng Cầu về tội “trộm cắp tài sản công dân” được Công an huyện Tiên Lãng được thực hiện ngay sau đó.
 
Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều giữ nguyên tội danh của ông Cầu, ông bị tuyên án 70 ngày ngồi tù.

Thóc luá bị tịch thu, nhà bị cháy

Sau khi mãn hạn tù, ông Cầu liên tục gửi đơn kêu oan. Bởi vậy tại phiên giám đốc thẩm sau đó, TAND tối cao đã ra phán quyết, hành vi của Nguyễn Hồng Cầu gặt lúa của anh Tuân là sai nhưng chưa cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà chỉ cần giải quyết dân sự là thỏa đáng. Đúng 10 năm sau, năm 2008, một phiên tòa khác mới diễn ra tuyên ông Cầu vô tội.

Tới nay, sau 17 năm xảy ra vụ án, ông Nguyễn Hồng Cầu vẫn một mực cho rằng “có nhiều uẩn khúc trong việc bắt ông đi tù”. Tại thời điểm ông Cầu bị UBND xã Đông Hưng tự ý thu hồi đất nông nghiệp, ông Cầu đang là một trong số những người dân tích cực tố cáo tiêu cực. Trước đó Đông Hưng là xã mới của huyện Tiên Lãng được hưởng chế độ trợ cấp di dân theo quy định của Nhà nước với số tiền mỗi hộ hơn 2 triệu đồng. Tuy vậy, theo những người dân nơi đây họ chỉ nhận được 200 nghìn đồng, số tiền còn lại không biết đi đâu? Ông Cầu cùng một số hộ dân đã kiến nghị lên UBND xã, UBND huyện về thắc mắc này nhưng chưa được giải quyết thì xảy ra chuyện ông bị bắt.

1 ngày sau khi ông Cầu bị bắt, tai họa tiếp tục ập xuống gia đình ông. Vợ ông Cầu kể lại: "Nhà tôi bị bắt hôm trước thì hôm sau một đoàn cán bộ xã kéo đến nhà. Họ chẳng đọc lệnh, chẳng cân đo kiểm kê gì mà xông vào xúc sạch toàn bộ số thóc của gia đình tôi vừa thu hoạch, đưa lên 3 chiếc thuyền chở đi. Tôi khóc lóc vật vã nói “các bác ơi, số thóc mà em thu hoạch ở mảnh ruộng đấy chỉ có hơn 2 tạ thôi, sao các bác lại lấy hết thóc của nhà em”. Mặc cho tôi than khóc, họ lấy đi hơn 1 tấn thóc mà gia đình tôi khó nhọc cày cấy mới có được".

Ngôi nhà của ông Cầu bị cháy sau 10 ngày ông bị bắt giam (ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp)

Ngôi nhà của ông Cầu bị cháy sau 10 ngày ông bị bắt giam (ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp)

Sau này, trong các bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng đều ghi lại “Chính quyền địa phương đã đến gia gia đình Nguyễn Hồng Cầu thu giữ 9 bao thóc có trọng lượng 261 kg trả lại cho anh Phạm Minh Tuân và dẫn giải Nguyễn Hồng Cầu về giao Công an huyện Tiên Lãng giải quyết”.

17 năm đã trôi qua, khó có thể xác định được việc đoàn cán bộ xã Đông Hưng đã thu hơn 1 tấn thóc (theo gia đình ông Cầu) hay 261 kg (theo trình báo của UBND xã Đông Hưng) nhưng dù là số lượng bao nhiêu thì ông Cầu vẫn thắc mắc, UBND xã Đông Hưng dựa vào quy định nào để đến nhà ông thu thóc trong khi ông bị bắt?

Vì mảnh ruộng này 17 năm trước ông Cầu phải ngồi tù oan.

Vì mảnh ruộng này 17 năm trước ông Cầu phải ngồi tù oan.

Tai họa với gia đình ông Cầu chưa dừng lại tại đây. Ngày 6/7/1997, trong khi ông Cầu đang ngồi tù, xưởng gỗ của gia đình ông bất ngờ cháy ngùn ngụt. Ngọn lửa thiêu rụi nhiều đồ đạc, công cụ sản xuất của gia đình ông.

Chồng bị bắt, thóc lúa bị tịch thu, xưởng mộc bị cháy rụi, vợ ông Cầu và 3 đứa con lâm vào cảnh bần cùng. 4 mẹ con phải vác rổ đi khắp làng trên, xóm dưới vay từng bát gạo nuôi nhau...
 
(Còn nữa)
 
Thu Hằng
Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm